Chủ động thích ứng trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại với biến thể mới, lây nhiễm nhanh hơn biến thể Delta hiện nay.

Dù các địa phương đang nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cho người dân nhưng gần đây số ca mắc Covid-19 tại nước ta liên tục tăng, khoảng 10.000 ca/ngày. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, số ca mắc cũng tăng trở lại dù nhiều người đã được tiêm vaccine Covid-19. Trước thực tế trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại với biến thể mới, lây nhiễm nhanh hơn biến thể Delta hiện nay.

Gia tăng ca mắc trong cộng đồng

 Theo Bộ Y tế, trung bình 1 tuần qua, cả nước có khoảng 11.000 ca mắc mới/ngày. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, số ca mắc ở cộng đồng đang gia tăng ở nhiều địa phương do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không triệu chứng, không rõ nguồn lây và liên quan người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại địa bàn dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Vì thế, thời gian tới có thể sẽ ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.

“Việt Nam đã vượt giai đoạn gay cấn nhất của đợt dịch Covid-19 thứ 4, nhưng chúng ta phải chuẩn bị điều kiện để ứng phó các làn sóng dịch Covid-19 mới. Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược đảm bảo an toàn cho người dân, mục tiêu cuối cùng là hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong”, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, Việt Nam trải qua 4 đợt dịch Covid-19. Ở 3 giai đoạn trước, Việt Nam hướng đến mục tiêu “Zero Covid” (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng), nhưng đợt thứ 4 (từ 27-4 đến nay) với sự hoành hành của biến thể Delta, chúng ta không thể “Zero Covid”.

Hiện, cả nước đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Hiện các tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch khác nhau, tỷ lệ mắc và tử vong, tỷ lệ tiêm chủng cũng khác nhau. Tỉnh nào có sự giao lưu đi lại nhiều, mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp thì ca nhiễm tăng. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác trước dịch bệnh, luôn thực hiện 5K, kể cả đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19.

Chủ động thích ứng trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh 1 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân sống tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM

Thay đổi cách đánh giá

 Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 tại nước ta tăng nhanh từng ngày. Bộ Y tế dự kiến, đến hết tháng 11 cả nước có thể vượt mốc tiêm chủng 120 triệu mũi vaccine Covid-19. Trong đó số người được tiêm 1 mũi khoảng 70 triệu liều, còn lại là tiêm đủ 2 liều. Dự kiến đầu tháng 12, Việt Nam cơ bản đạt tiêu chí bao phủ vaccine cho 70% người trên 18 tuổi. Các địa phương cũng đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Trước tỷ lệ tiêm chủng tăng cao, Bộ Y tế đang xem xét việc điều chỉnh công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như thay đổi một số tiêu chí về đánh giá cấp độ, nguy cơ dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, là: tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến. Tuy nhiên, với diễn biến tình hình dịch hiện nay và biện pháp phòng chống đang được triển khai, tới đây trong công tác đánh giá dịch, sẽ không quá coi trọng số ca mắc trên 100.000 dân/tuần. Khuyến khích người dân tự phát hiện, nếu mắc thì báo cơ quan y tế để được quản lý và khi có triệu chứng thì vào bệnh viện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc đánh giá sẽ giảm dần xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm cộng đồng mà tập trung những trường hợp nghi ngờ hoặc khi truy vết F1 liên quan F0. Tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong, tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương. Bộ Y tế lưu ý các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch theo cấp tỉnh, huyện, xã thì càng chia nhỏ khu vực đánh giá theo 4 cấp độ (bình thường mới, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao) càng tốt, để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát nhỏ gọn, hiệu quả mà không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, sinh hoạt của địa phương trên diện rộng.

Để thích ứng với dịch Covid-19 hiện nay, việc phong tỏa hay cách ly y tế sẽ theo nguy cơ. Nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó, hẹp nhất có thể và đảm bảo an sinh xã hội.

“Chúng ta phải luôn sẵn sàng ứng phó các nguy cơ dịch bùng phát, cơ sở khám chữa bệnh phải đáp ứng sẵn sàng thích ứng 4 tại chỗ. Mặt khác, cơ sở y tế phải triển khai điều trị bệnh thông thường vì ngoài Covid-19, còn nhiều dịch bệnh khác ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, hiện nay Delta vẫn là biến thể chủ yếu gây dịch tại nước ta. Trước biến thể mới là B.1.1.529 có nguồn gốc từ Nam Phi gây lây nhiễm nhanh hơn, Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ các thông tin từ WHO và nhiều quốc gia trên thế giới để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Tin cùng chuyên mục