Chủ động phòng chống dịch bệnh

Sau đây là nội dung buổi giao lưu:
Chủ động phòng chống dịch bệnh

(SGGPO).- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika khi số ca mắc ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều thai phụ, khiến cộng đồng không khỏi lo lắng. Thêm vào đó, dịch sốt xuất huyết vẫn đeo đẳng từ cuối năm ngoái đến nay đã làm hàng ngàn ca mắc và nhập viện, trong đó đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong.  

Chủ động phòng chống dịch bệnh ảnh 1

Trong khi, đây vốn dĩ là dịch bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng ngừa. Thêm vào đó thời tiết giao mùa và thay đổi thất thường đang khiến các dịch bệnh có điều kiện phát triển hơn. Một ổ dịch quai bị vừa xuất hiện trong trường học tại TPHCM làm các phụ huynh quan ngại cho con em mình: Liệu các em đã được chích ngừa vaccine sởi-quai bị-rubella có còn bị mắc các bệnh dịch này? Dịch bệnh tay chân miệng, hô hấp, thủy đậu, viêm não, viêm màng não… và các bệnh dịch truyền nhiễm khác vẫn rình rập mỗi ngày trong cộng đồng, trong trường học… Làm cách nào để bảo vệ sức khỏe chính mình, bảo vệ sức khỏe con em mình và cộng đồng trong môi trường có nhiều nguy cơ bệnh dịch hiện nay?...

Sáng nay 28-12, Báo SGGP tổ chức giao lưu trực tuyến về Zika và các bệnh giao mùa. Đến tham dự có Ths.BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM; Ths. BS Đinh Thạc, Trưởng đơn vị truyền thông, Bệnh viện Nhi Đồng 1; BS Phan Thanh Bình, Phó Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ.

Tổng biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (thứ hai từ trái sang) tặng hoa các vị khách mời tham gia giao lưu

Sau đây là nội dung buổi giao lưu:

Hồng Nhung - Nữ - hongnhung1990@gmail.com: Em đang mang thai tháng thứ 3, lại là con đầu lòng nên rất lo lắng về dịch Zika. Vừa rồi em đi khám định kỳ bác sĩ nói thai bình thường. Nhưng hai hôm nay  thấy người hơi nhức mỏi, đau cơ, ăn uống không ngon miệng, hay buồn nôn. Liệu có phải bị mắc triệu chứng Zika không bác sĩ. Tôi có cần phải đi xét nghiệm máu gì không bác sĩ?

- BS Phan Thanh Bình, Phó Khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ: Bạn có thể vẫn đang trong giai đoạn nghén và không phải mắc Zika đâu. Chỉ cần khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm sàng lọc đầy đủ là được rồi.

ngochanguyen - Nữ 26 tuổi - ngochanguyen@gmail.com - TPHCM: Em có thai mới 6 tuần tuổi. Em nghe nói Zika rất nguy hiểm cho thai phụ nên khá lo lắng. Em muốn kiểm tra xem mình có bị mắc không thì đi khám ở đâu ạ. Em phải làm gì để phòng tránh Zika ạ. Có phải hạn chế đến những nơi đông nguời không ạ?

- ThS. BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Việc xét nghiệm chẩn đoán vi rút Zika cho thai phụ chỉ được chỉ định đối với những thai phụ có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nhiễm vi rút Zika. Bạn chỉ cần đi khám thai định kỳ và chủ động phòng tránh muỗi đốt cho bản thân. Hiện tại chưa có khuyến cáo thai phụ không nên đến những nơi đông người, tuy nhiên cần chủ động phòng tránh muỗi đốt.

Quang Khanh - Nam 40 tuổi - Quận 10, TPHCM: Đàn ông, phụ nữ sau khi nhiễm virus Zika thì bao lâu sau mới nên sinh con?

BS Phan Thanh Bình: Bạn có thể cân nhắc, sau 3 tháng là mang thai được mà.

Quang Khanh - Nam 40 tuổi - Quận 10, TPHCM: Virus Zika sau khi được điều trị có hết hẳn không hay vẫn tồn tại trong cơ thể?

 BS Phan Thanh Bình: Virus Zika có thể tồn tại trong cơ thể trong thời gian khoảng 3 tháng và tự mất đi.

Hoài Phuơng - Nữ - Gò Vấp, TPHCM: Các sản phẩm đuổi muỗi, thực phẩm chức năng đang đươc bày bán tràn lan trên thị trường với lời quảng cáo phòng chống Zika, thực hư những sản phẩm này như thế nào?

ThS BS Lê Hồng Nga: Cho đến nay bệnh do virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin dự phòng. Như vậy không có sản phẩm nào là sản phẩm phòng bệnh Zika mà chỉ có sản phẩm phòng muỗi đốt để phòng nhiễm virus Zika. Tuy nhiên chỉ có sản phẩm kem hoặc dung dịch xua muỗi, sử dụng bằng cách xoa trên vùng da không được quần áo che phủ mới được khuyến cáo sử dụng. Các sản phẩm vòng đeo tay, miếng dán chưa được khuyến cáo sử dung để phòng muỗi đốt.

Văn Thắng - Nam - Tân Bình, TPHCM: Con tôi được 6 tháng tuổi, bị viêm tiểu phế quản từ tháng thứ hai. Do cháu còn nhỏ nên rất khó cho uống thuốc. Hiện nay, cháu cứ bị tái đi, tái lại và thường sốt khoảng 38 độ. Xin hỏi cách nào để điều trị hiệu quả?

- ThS. BS Đinh Thạc, Trưởng đơn vị truyền thông, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Trẻ được 6 tháng tuổi đây là giai đoạn trẻ "bị bệnh thường xuyên" vì lượng kháng thể mẹ truyền cho trẻ đã bị "giảm mạnh" do đó trẻ sẽ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nhất là bệnh về đường hô hấp.

Con bạn bị viêm phế quản hay tái đi tái lại nhiều lần nên cũng làm cho cha mẹ lo lắng. Nguyên tắc quan trọng nhất là bạn cho bé đi khám bác sĩ và tuân thủ những lời khuyên phù hợp để cháu mau lành bệnh (không tự ý điều trị cho trẻ), việc bạn cần làm là chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thật tốt để có thêm sức đề kháng và nên cho trẻ "có thời gian" để được miễn nhiễm tự nhiên sau này sẽ tốt cho bé và nên chú ý tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, và cho trẻ tiêm ngừa 2 vắc xin quan trọng là vắc xin phế cầu và vắc xin Cúm để giảm gánh nặng bệnh tật cũng giúp bảo vệ sức khỏe chủ động cho bé.

Lâm Nguyễn - Nam - Quận 1, TPHCM: Zika mới phát hiện gần đây, gây bệnh đầu nhỏ. Vậy trước đây, các bệnh đầu nhỏ do gì gây ra?

BS Phan Thanh Bình: Tật đầu nhỏ có thể liên quan đến nhiều bệnh di truyền khác (do thể do đột biến hay di truyền) và có thể do các nhiễm trùng bào thai(ví dụ như nhiễm Rubella chẳng hạn)

Tuấn Bảo - Nam - hoangtuanbao@yahoo.com: Báo chí đưa tin ở TPHCM đã có hơn cả trăm người mắc Zika và có cả nhiều thai phụ mắc. Nói thai phụ mắc Zika sẽ sinh con bị teo não, nhưng tôi chưa thấy ở TPHCM chưa có ca sinh nào trẻ bị teo não cả. Có phải do virus ở Việt Nam yếu hơn hay đề kháng của người Việt Nam tốt hơn các nước khác? Liệu mắc Zika rồi thì có bị mắc lại không?

- BS Phan Thanh Bình: Tỷ lệ dị tật nói chung do nhiễm Zika đã báo cáo cho tới nay khoảng 20%. Hiện tại có khoảng 20 ca phụ nữ mang thai đang theo dõi và chỉ mới có 1 trường hợp sinh tại Bệnh viện chúng tôi và chưa thấy có dị tật như bạn đã biết. Tuy nhiên đây là một dịch bệnh mới và chưa thể đánh giá hết hậụ quả cho đến bây giờ, và chưa có hậu quả là do may mắn thôi bạn ạ, không phải do đề kháng hay chủng virus yếu đâu. Đã có trường hợp đầu nhỏ liên quan đến Zika ở nước ta rồi đó, bạn.

Khánh Linh - Nữ 25 tuổi - nanghoa@yahoo.com: Tôi hiện có 2 con nhỏ, một trẻ 2 tuổi và 1 trẻ 5 tuổi, con tôi cứ thay đổi thời tiết là bị viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, xin hỏi bác sĩ tôi có nên cho 2 bé uống theo phương pháp dân gian là tắc chưng đường phèn hoặc tần dày lá chưng tắc với đường phèn mà không uống thuốc được không? Bác sĩ cho tôi lời khuyên làm sao để các bé có sức đề kháng tốt hơn?

- ThS. BS Đinh Thạc: Điều quan trọng nhất khi điều trị cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi cần căn cứ vào những khuyến cáo của khoa học:

- Trẻ bị bệnh cần cho đi khám và điều trị sớm để việc theo dõi được chặt chẽ và tránh biến chứng nguy hiểm.

- Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế Giới (WHO) trẻ dưới 5 tuổi có khoảng 70 - 80% bị viêm hô hấp cấp do tác nhân vi rút, do đó việc điều trị cho trẻ không nhất thiết phải sử dụng thuốc (kể cả kháng sinh).

- Với mức độ nhẹ, bạn có thể cho cháu tạm theo dõi và chăm sóc tại nhà và giảm ho cho trẻ bằng những phương thuốc dân gian bạn kể. Tuy nhiên cần chú ý nếu sau 2 ngày chăm sóc như thế mà tình trạng bệnh không cải thiện hoặc trẻ có những biểu hiện năng như sốt cao liên tục trên 39 độ C hoặc xuất hiện thở nhanh, thở mệt hoặc khó thở bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị tích cực hơn.

Tất Đạt - Nam - Quận 8, TPHCM: Nhà tôi sống ở gần khu kênh rạch rất nhiều muỗi, tôi có nên sử dụng các loại hóa chất bán bên ngoài để tự phun trừ muỗi không?

- ThS BS Lê Hồng Nga: Bạn có thể sử dụng các loại bình phun diệt côn trùng gia dụng trên thị trường có hướng dẫn sử dụng trên nhãn bình. Ngoài ra các biện pháp diệt hoặc xua muỗi khác như vợt điện, nhang muỗi cũng được khuyến cáo sử dụng.

Oanh - Nữ - hoangtungoanh@yahoo.com: Em ở Hà Nội, thời tiết đang vào đông rất khắc nghiệt nên đứa con nhỏ 2 tuổi của em cứ hắt hơi sổ mũi suốt. Cứ 1-2 tuần cháu khò khè là cho đi khám và được bác sĩ kê nhiều loại thuốc kháng sinh. Sau mỗi đợt uống thuốc cháu có triệu chứng biếng ăn, đi phân lỏng. Liệu có cách nào phòng tránh và uống ít kháng sinh hơn không bác sĩ?

- BS Phan Thanh Bình: Kháng sinh cho trẻ dùng chỉ tốt khi đúng là các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên do vi khuẩn thôi, trong khi đa số các bệnh này thực tế lại do virus , khi sử dụng kháng sinh thì tiêu phân lỏng, biếng ăn là do tác dụng phụ không mong muốn của thuốc đó bạn. Giữ ấm, vệ sinh răng miệng cho trẻ tốt, bảo đảm vệ sinh tay, cân nhắc chủng ngừa cúm sẽ giúp việc phòng ngừa tốt các bệnh này.

Khánh Linh - Nữ 25 tuổi - nanghoa@yahoo.com: Xin hỏi làm sao để phân biệt khi bị nhiễm virus Zika và bệnh sốt xuất huyết, triệu chứng ban đầu khi nhiễm bệnh của 2 bệnh này?

 BS Phan Thanh Bình: Triệu chứng của 2 bệnh này khá giống nhau về triệu chứng sốt, tuy nhiên nhiễm Zika có thể kèm theo nổi hạch, đau cơ, phát ban trong khi sốt xuất huyết không có triệu chứng này. điều đáng quan tâm là do cơ chế lây truyền đều do muỗi đốt cho nên ở những nơi có điều kiện khi nhiễm sốt xuất huyết nên thử luôn xét nghiệm Zika và ngược lại

Hà Thu - Nữ - Quận Bình Thạnh, TPHCM: Gia đình tôi có người đang mang thai nên tôi khá lo lắng về tình trạng virus Zika đang hoành hành, tại sao Zika lại tăng mạnh ở khu vực phía Nam như vậy? Khuyến cáo của ngành chức năng đối với người dân như thế nào?

- ThS BS Lê Hồng Nga: Bệnh do virus Zika có biểu hiện lâm sàng tương đối nhẹ, nếu không quan tâm đi khám và xét nghiệm thì không thể chẩn đoán xác định. Tại thành phố Hồ Chí Minh, số điểm giám sát virus Zika là 30 điểm phủ khắp 24 quận huyện của thành phố cùng với việc đẩy mạnh truyền thông đã khiến người dân quan tâm đi khám và xét nghiệm. Nên số ca xét nghiệm và được chẩn đoán xác định tại TPHCM khá cao.

Mặt khác, bệnh lây truyền chủ yếu qua trung gian muỗi vằn Aedes aegypti; cũng là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết. Miền Nam có khí hậu ấm áp, thuận lợi cho muỗi phát triển; có thể đây là lý do khiến số ca bệnh do virus Zika cao ở miền Nam.

Việc quan tâm bảo vệ thai phụ trước bệnh do virus Zika là rất cần thiết. Do đó mỗi gia đình có thai phụ cần tích cực thực hiện:

- chủ động phòng muỗi đốt cho mọi thành viên trong gia đình

- chủ động diệt muỗi trong nhà bằng bình xịt côn trùng, nhang trừ muỗi, vợt điện

- chủ động tìm và loại bỏ những vật chứa nước có thể phát sinh lăng quăng trong nhà

- tham gia hưởng ứng chiến dịch diệt lăng quăng

- mở cửa nhà cho nhân viên phun hóa chất diệt muỗi vào trong nhà

Chính bản thân thai phụ cần chủ động phòng bệnh trong suốt thai kỳ bằng cách: tránh muỗi đốt để phòng lây nhiễm bệnh và không quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục an toàn (dùng bao cao su) với người bị bệnh hoặc nghi bị bênh do virus Zika.

Thùy Dương - Nữ - Duongthuy2002@gmail.com - Bình Thạnh, TPHCM: Xin bác sĩ cho biết cách phòng chống bệnh đường hô hấp ở trẻ em?

ThS. Bs Đinh Thạc: Nhiễm khuẩn Hô hấp cấp là một trong số những căn bệnh thường gặp ở trẻ, nếu không có biện pháp phòng ngừa sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhẹ có thể làm trẻ bị suy giảm sức đề kháng, ăn uống khó khăn, chậm tăng cân...nặng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đôi khi dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và xử trị kịp thời những căn bệnh này trong đó đáng chú ý là bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ, bệnh cúm không chú ý theo dõi...Phòng bệnh quan trọng nhất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, nhất là hệ hô hấp bằng các biện pháp sau:

- Tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, nhất là việc bú mẹ sẽ giúp bé khỏa mạnh phòng ngừa hiệu quả các bệnh về đường hô hấp (trong đó co cả bệnh hen phế quản/suyễn).

- Rửa tay thường xuyên sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ hoặc trước khi cho trẻ ăn giúp ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh từ người chăm sóc trẻ. Khuyến khích trẻ giữ sạch đôi tay cũng chính là cách phòng bệnh tốt cho trẻ.

- Hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng chống tác hại thuốc lá góp phần tích cực bảo vệ trẻ.

- Sử dụng quạt máy, máy điều hòa hợp lý giúp bảo vệ trẻ chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, vi rút lây nhiễm qua đường hô hấp.

- Chú ý tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh phế cầu cho trẻ từ 2 tháng tới 5 tuổi và vắc xin phòng bệnh cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Diệu Thúy - Nữ - Quận 12, TPHCM: Vào dịp cuối năm thường dễ bị cảm cúm, nhiễm virus cúm. Tại sao mùa này lại dễ bị cúm như vậy? Làm sao để hạn chế bị cúm và các trường hợp lây nhiễm cúm?

BS Phan Thanh Bình: Thay đổi thời tiết làm cho việc tiết dịch ở đường hô hấp của chúng ta tăng lên, tạo môi trường thuận lợi cho virus phát triển, và chỉ cần có 1 người nhiễm cúm là có thể lây cho cả cơ quan, phòng tránh tiếp xúc với các đồng nghiệp nhiễm cúm, mang khẩu trang khi tiếp xúc chỗ đông người, rửa tay sạch,.. là các biệp pháp dự phòng đơn giản, hiệu quả cao. Có thể chủng ngừa cúm khi giao mùa cho các đối tượng có sức đề kháng yếu như: người mắc bệnh mãn tính, thai phụ,.. cũng giúp tránh mắc cúm bạn ạ.

Ngọc Anh - Nữ - ngocanhtran@yahoo.com: Em vừa lập gia đình và có kế hoạch mang thai trong năm 2017 nhưng nay nghe nói dịch Zika hoành hành thai phụ nên cũng đang ngán ngại. Có vaccine hay loại thuốc gì để dự phòng tránh mắc Zika trước khi mang thai không ạ?

- BS Phan Thanh Bình: Các cơ quan y tế đang trong giai đoạn tìm tòi và điều chế vaccine vì vậy cho tới nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay dự phòng bạn ạ. Chủ yếu phòng lây truyền qua đường muỗi chích thôi , cũng giống như phòng sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng .. vậy thôi.

Phước Hải - Nam - Gò Vấp, TPHCM: Được biết virus Zika tồn tại khá lâu trong cơ thể và có khả năng tái phát. Vợ chồng tôi định sinh em bé, vậy có cách nào đề phòng bệnh từ bây giờ không ạ?

 BS Phan Thanh Bình: Thời gian tồn tại của virus Zika có thể kéo dài khoảng 3 tháng trong cơ thể. Tuy nhiên không nhất thiết phải tầm soát cả vợ lẫn chồng trước khi mang thai vì nhiều lý do, trong đó xét nghiệm vẫn chưa có đầy đủ cho tất cả các cơ sở y tế. Nếu bạn không có các triệu chứng như sốt phát ban, nổi hạch,.. thì vẫn có thai bình thường mà. khi mang thai cần thiết phải khám thai và làm các xét nghiệm sàng lọc trong thai kỳ mới quan trọng hơn (vì có nhiều rối loan khác có thể ảnh hưởng đến thai hơn Zika).

Quốc Thắng - Nam - Quận Tân Bình, TPHCM: Dịp cuối năm, thời tiết thay đổi, các bậc làm cha mẹ cần chủ động phòng chống những dịch bệnh nào cho trẻ?

- ThS. BS Đinh Thạc: Phòng ngừa những bệnh lý cho trẻ em vào lúc thời tiết thay đổi là điều cần thực hiện, cha mẹ cần áp dụng những biện pháp sau đây:

- Giữ ấm cơ thể trẻ nhất là khi thời tiết se lạnh hoặc chuyển lạnh đột ngột vì nhiệt độ thấp sẽ làm giảm sức đề kháng nhất là sức đề kháng đường hô hấp (chú ý trẻ nhỏ dưới 2 tháng và trẻ bị Hen Phế quản còn gọi là Suyễn).

- Giữ môi trường sống trong lành, thông thoáng...tránh khói bụ bẩn, khói thuiốc lá gây hại cho trẻ.

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chú ý chế biến thức ăn "nóng sốt" như cháo dinh dưỡng, súp rau củ quả....Trẻ nhỏ tăng cường nuôi bằng sữa mẹ.

- Tạo thói quan giữ vệ sinh cá nhân tốt với một động tác đơn giản là nhắc trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ đúng cách giúp giảm đáng kể các bệnh lây nhiễm.

- Cho bé tiêm phòng đầy đủ vắc xin phù hợp theo lứa tuổi giúp phòng bệnh chủ động nhất.

ngochanguyen - Nữ 26 tuổi - ngochanguyen@gmail.com - TPHCM: Em có thai mới 6 tuần tuổi. Em nghe nói Zika rất nguy hiểm cho thai phụ nên khá lo lắng. Em muốn kiểm tra xem mình có bị mắc không thì đi khám ở đâu ạ. Em phải làm gì để phòng tránh Zika ạ. Có phải hạn chế đến những nơi đông nguời không?

- BS Phan Thanh Bình: Việc khảo sát đồng loạt và thường quy cho nhiễm Zika trong thai phụ chưa được tiến hành vì nhiều lý do. Chuyện chính là phòng lây do muỗi đốt thôi. Khi mang thai các thai phụ có các triệu chứng sốt phát ban, nổi hạch, .. mới cần tầm soát xem có nhiễm hay không. Zika không lây qua các đường thông thường khác nên vẫn đến chỗ đông người được mà

Hoài Phuơng - Nữ - Gò Vấp, TPHCM: Các sản phẩm đuổi muỗi, thực phẩm chức năng đang đươc bày bán tràn lan trên thị trường với lời quảng cáo phòng chống Zika, thực hư những sản phẩm này như thế nào?

- ThS.BS. Đinh Thạc: Về mặt khoa học bệnh nhiễm trùng cấp tính do Zika virus đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì lý do đó việc một số sản phẩm, trong đó thực phẩm chức năng được quảng bá có thể phòng tránh bệnh Zika virus là điều cần kiểm chứng lại. Một thực tế đó là, biện pháp phòng chống muỗi đốt để không bị virus Zika tấn công đang là biện pháp được khuyến cáo bằng nhiều hình thức như ngủ mùng (màn) kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay...phòng chống muỗi đốt bằng nhang chống muỗi hoặc xịt phòng, khi sử dụng những sản phảm này phụ huynh cần chú ý tránh cho trẻ hít phải những hóa chất có trong sản phẩm vì ít nhiều sẽ gây hại cho đường hô hấp của trẻ.

Hoài Nam - Nam - Tân Bình, TPHCM: Mỗi khi có đợt dịch sốt xuất huyết hay gần đây là virus Zika, tôi thấy nhân viên y tế đến địa phương phun thuốc diệt muỗi 1 đến 2 lần nhưng đôi khi rất qua loa. Vậy liệu có đảm bảo trong suốt mùa dịch?

- ThS BS Lê Hồng Nga: Kỹ thuật diệt muỗi được áp dụng trong phòng chống dịch Sốt xuất huyết hoặc bệnh do virus Zika là kỹ thuật phun không gian với thể tích cực nhỏ (còn gọi là phun ULV). Đặc điểm của kỹ thuật này là máy phun tạo những hạt hóa chất cực nhỏ lơ lửng trong không gian trong một khoảng thời gian dưới 2 giờ để diệt các côn trùng đang bay. Do hóa chất không tồn lưu lâu trong không khí nên cần phun lại ít nhất 1 lần nữa (tùy theo tình hình diễn biến ca bệnh).

Tuy nhiên để duy trì hiệu quả của việc phun hóa chất thì cần thực hiện triệt để việc diệt lăng quăng để không phát sinh thêm thế hệ muỗi tiếp theo. Như vậy để chủ động phòng bệnh trong mùa dịch, mỗi người, mỗi nhà cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Ngoài ra các biện pháp phòng muỗi đốt, diệt muỗi trong hộ gia đình cũng được khuyến khích.

Nguyễn Hữu - Nam - hanoipho@yahoo.com: Con tôi đã 4 tuổi rưỡi, có tiền sử bị viêm phổi. Mấy hôm nay thời tiết thay đổi lành lạnh khiến cháu bị ho nhiều đàm, ngủ thở khò khè. Hôm rồi đi khám bác sĩ kê đơn mua một máy xong cùng với thuốc bảo về nhà xong cho cháu. Tuy nhiên, theo tôi biết loại thuốc xong này là kháng sinh có kèm hoạt chất Salbutamol. Liệu dùng có ảnh hưởng gì không bác sĩ? Tôi thấy sau khi xong thuốc này cháu ăn nhiều hơn, tăng cân nên rất lo.

- ThS.Bs. Đinh Thạc: Việc xông khí dung và sử dụng kháng sinh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ điều trị (vì hiện nay vấn đề đề kháng kháng sinh đang được ngành y tế cảnh báo), ngoài ra vấn đề vệ sinh an toàn dụng cụ xông khí dung cũng cần phải chú ý vì nếu không cháu bé có thể bị lây nhiễm những tác nhân gây bệnh khác sẽ rất nguy hiểm.

Việc cháu bé xông thuốc xong ăn uống ngon miệng có thể việc xông thuốc giúp cháu "dễ thở hơn" đường hô hấp thông thoáng giúp bé dễ ăn uống, trừ những trường hợp việc điều trị kết hợp sử dụng thuốc kháng viêm glucocorticoide như predison, prednisolon...cũng gây phản ứng phụ là làm các cháu thèm ăn hơn nếu sử dụng lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, phụ huynh nên hỏi thêm ý kiến từ bác sĩ điều ttrị. Rất mong gia đình chú ý hơn nữa việc sử dụng máy xông khí dung cho trẻ!

Nguyễn Sơn - Nam - Quận Bình Tân, TPHCM: rong thời gian gần đây, truyền thông đưa tin liên tiếp tình trạng dịch Zika. Ngành công tác dự phòng TP đã có nhiều hoạt động tích cực và thiết thực trong việc phòng, chống và dập dịch nhưng dịch vẫn cứ chuyển biến và thậm chí có dấu hiệu tăng ở TPHCM. Phải chăng những việc mà YTDP làm vẫn chưa triệt để nên mới để xảy ra tình trạng lượng ca mắc tăng nhanh như vậy?

- ThS BS Lê Hồng Nga:  Bệnh do virus Zika lây truyền qua chủ yếu qua muỗi vằn, ngoài ra bệnh còn lây qua đường quan hệ tình dục và truyền máu. Để phòng lây nhiễm bệnh do virus Zika cần thực hiên nhiều biện pháp như phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi , diệt lăng quăng và quan hệ tình dục an toàn. Thời gian qua, ngành y tế đã triển khai rất nhiều hoạt động như truyền thông các biện pháp phòng bệnh trên tất cả các kênh thông tin, chủ động kiểm soát các điểm nguy cơ phát sinh muỗi, tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi tại những ổ dịch hoặc những nơi có mật độ muỗi cao. Tuy nhiên những nỗ lực trên của y tế chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người cùng tham gia như:

- Mỗi người phải chủ động phòng muỗi đốt cho bản thân và người thân

- Chủ động tìm và loại bỏ những vật chứa nước có thể phát sinh lăng quăng trong nhà

- Tham gia hưởng ứng chiến dịch diệt lăng quăng

- Mở cửa nhà cho nhân viên phun hóa chất diệt muỗi vào trong nhà

- Nam giới bị bệnh do virus Zika cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục trong ít nhất 6 tháng từ khi mắc bệnh

Vì vậy muốn kiểm soát số ca bệnh do virus Zika cần có sự tham gia của toàn cộng đồng

Ngọc Xuân - Nam - tranngocxuan3425@gamail.com: Hôm rồi tôi đưa con 3 tuổi đi khám bệnh viện nhi đồng vì cháu ho nhiều, có đàm, sốt nhẹ. Bác sĩ nói con tôi bị viêm phế quản rồi cho thuốc về uống 5 ngày rồi tái khám. Nhưng con tôi đã uống thuốc sang ngày thứ năm rồi vẫn còn ho nhiều đàm. Liệu con tôi có bị viêm phổi không bác sĩ? Thỉnh thoảng cháu vẫn bị như vậy. Xin cảm ơn bác sĩ.

- ThS. BS Đinh Thạc: Trẻ em nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi rất hay bị mắc các bệnh thông thường, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp vì sức đề kháng có yếu kém. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới tử vong ở trẻ em vì bệnh về đường hô hấp còn khá phổ biến nhất là tử vong do bệnh viêm phổi. Chính vì vậy bất cứ trẻ nhỏ nào cũng có khả năng bị viêm phổi phụ huynh cần chú ý, nếu cháu bé ở nhà đã đến khám và điều trị 5 ngày tại BV Nhi Đồng 1 mà vẫn chưa thuyên giảm, gia đình nên cho cháu bé tái khám để bác sĩ kiểm tra kết quả điều trị xem có cần thay đổi phương pháp trị liệu khác không, đồng thời đánh giá xem cháu bé có bị viêm phổi kèm theo hay không để đưa những lời khuyên chăm sóc và theo dõi phù hợp nhất. Rất mong cháu bé sớm khỏi bệnh để gia đình an tâm !

Hồng Thắm - Nữ - Thủ Đức, TPHCM: Tôi chuẩn bị sinh con, xin hỏi tôi phải làm gì để con chắc chắn không bị Zika?

Bs Phan Thanh Bình: Bạn chỉ cần khám và làm các xét nghiệm tiền mang thai. Khám thai định kỳ đầy đủ, phòng tránh muỗi đốt từ bây giờ và suốt quá trình mang thai là đủ. Nhiễm Zika không phải 100% gây dị tật thai nhi bạn ạ

Anh Quốc - Nam - Quận 12, TPHCM: Hiện nay chủ yếu người dân biết đến thông tin về Zika ảnh hưởng nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai, nhưng với các đối tượng khác thì chưa có nhiều thông tin. Vậy xin ông, bà có thể cho biết virus Zika ảnh hưởng như thế nào đối với nam giới?

- Ths.Bs. Đinh Thạc: Hiện nay virus Zika được ghi nhận là có khả năng lây nhiễm cho mọi đối tượng trong đó có nam giới, tuy nhiên những ghi nhận ảnh hưởng về sức khỏe hay những biến chứng nguy hiểm cho nam giới chưa thật sự đến mức cảnh báo (trừ những trường hợp phát hiện trễ hoặc tự ý điều trị tại nhà không phù hợp khi xuất hiện những biến chứng không được xử trí kịp thời). Tốt nhất khi phát hiện hay nghi ngờ ai bị nhiễm bệnh do virus Zika người nhà nên khuyên bệnh nhân đi khám bác sĩ để được theo dõi và chăm sóc tốt giúp mau khỏi bệnh.

Kevin Nguyễn - Nam - Quận 3, TPHCM: Triệu chứng nào của bệnh quai bị, ảnh hưởng của nó như thế nào khi trưởng thành?

- ThS BS Lê Hồng Nga: Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh quai bị là viêm các tuyến nước bọt như tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Do viêm tuyến mang tai nên bệnh nhân có biểu hiện bên ngoài là sưng vùng má một hoặc hai bên. Ngoài ra bệnh nhân có triệu chứng sốt và một số biểu hiện hô hấp.

Bệnh quai bị có thể gây biến chứng là viêm tinh hoàn một hoặc hai bênh và do đó có thể gây vô sinh ở nam giới. Tuy nhiên tỷ lệ không cao.

Minh Hùng - Nam - Quận 8, TPHCM: Ngành Y tế TP đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng dịch nhưng vẫn có một số gia đình bảo thủ trong việc hợp tác phòng, chống dịch, diệt lăng quăng… có biện pháp xử lý ra sao đối với họ?

- ThS. BS. Đinh Thạc: Nâng cao ý thức phòng chống bệnh do virus Zika là một trong những việc làm ý nghĩa cho gia đình và cho cộng đồng, góp phần giảm bớt những trường hợp lây nhiễm cho mọi người (ai cũng có khả năng bị nhiễm). Ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng ngừa và chăm sóc tốt những trường hợp không may bị nhiễm bệnh nhất là phụ nữ mang thai (PNMT).

Việc tuân thủ và hợp tác với các ban ngành trong việc phòng chống bệnh sẽ tạo thuận lợi cho việc phòng ngừa và ngăn chặng dịch bệnh Zika, chính vì thế ngành Y tế khuyến khích người dân tự nguyện tham gia là chính, những biện pháp xử lý kỷ luật không khuyến cáo trừ những trường hợp cá nhân gây cản trở việc thực hiện những biện pháp có ích cho cộng đồng góp phần làm dịch bệnh trở nên nghiêm trong thì lãnh đạo địa phương sẽ có biện phap xử lý phù hợp.

Thanh - Nữ - duongthanhhung@yahoo.com: Thưa bác sĩ, tôi đang mang thai mới 7 tuần tuổi nhưng vừa qua bị mắc dịch sốt xuất huyết. Liệu thai nhi có bị ảnh hưởng gì không? Có cần phải đi xét nghiệm hay uống thuốc phòng ngừa gì không? Xin cảm ơn bác sĩ?

- BS Phan Thanh Bình: Nếu có các triệu chứng khác như sốt phát ban, nổi hạch thì bạn nên làm thêm xét nghiệm Zika, còn sốt xuất huyết đơn thuần không ảnh hưởng thai kỳ trong giai đoạn này, nên làm thêm xét nghiệm Zika nếu có các triệu chứng này bạn ạ.

Quốc Thắng - Nam - Quận Tân Bình, TPHCM: Dịp cuối năm, thời tiết thay đổi, các bậc làm cha mẹ cần chủ động phòng chống những dịch bệnh nào cho trẻ?

- ThS. BS Lê Hồng Nga: Cuối năm là mùa của các bệnh lây qua đường hô hấp như Quai bị, Thủy đậu, Cúm, Sởi, Rubella... Vì vậy các bậc cha mẹ cần lưu tâm phòng lây nhiễm các bệnh này cho con em cũng như tất cả các thành viên ttrong gia đình bằng các biện pháp thông thường như rửa tay thường xuyen bằng nước và xà phòng; che miệng, mũi khi ho hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người khác khi có dấu hiệu bệnh đường hô hấp, sử dụng riêng dụng cụ ăn uống. Khi có dấu hiệu bệnh cần đi khám bệnh và nếu nghi ngờ bệnh truyền nhiễm không nên đi học, đi làm cho đến khi hết thời gian cách ly theo khuyến cáo của bác sĩ.

Ngoài ra ở miền Nam, thời điểm cuối năm vẫn còn là mùa dịch sốt xuất huyết; vì vậy cần phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng trong và ngoài nhà.

Hà Thu - Nữ - Quận Bình Thạnh, TPHCM: Gia đình tôi có người đang mang thai nên tôi khá lo lắng về tình trạng virus Zika đang hoành hành, tại sao Zika lại tăng mạnh ở khu vực phía Nam như vậy? Khuyến cáo của ngành chức năng đối với người dân như thế nào?

ThS.BS. Đinh Thạc: Hiện tại bệnh do virus Zika rất dễ lây lan trong cộng đồng, con đường lây nhiễm chính là do muỗi bị nhiễm virus đốt, chích người lành gây bệnh, đặc biệt phụ nữ mang thai rất dễ bị lây nhiễm cho thai nhi nếu không may bị nhiễm bệnh (nếu bị muỗi mang mầm bệnh đốt) và người mẹ mang thai sẽ lây nhiễm cho thai nhi gây biến chứng nguy hiểm cho bào thai, nếu người phụ nữ mang thai không chú ý biện pháp an toàn tình dục sẽ lây cho bạn đời của mình làm cho số người bị nhiễm gia tăng.

Hiện nay ngành Y tế TPHCM đang tích cực phát động nhiều hoạt động phòng chống bệnh virus Zika để người dân chú ý tự bảo vệ mình, bảo vệ những người thân trong gia đình.

Huỳnh Nam- Mai Quân tổng hợp 
Ảnh: Hoàng Hùng 

Tin cùng chuyên mục