Chủ động phòng bệnh do nắng nóng

Những ngày này, TPHCM và các tỉnh thành Nam bộ đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, trung bình từ 36-38oC. Việc chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng là điều cần thiết trong thời điểm này.

Từ đầu tháng 3 đến nay, khu đăng ký khám bệnh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TPHCM) luôn ken đặc phụ huynh đến khám cho con nhỏ. Thống kê của BV cho thấy, nếu tháng 2-2021 số bệnh nhi nhập viện khoảng 4.000 trường hợp, thì chỉ trong 2 tuần đầu tháng 3, số trẻ nhập viện đã lên tới 3.600.

Tương tự, Khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2 (TPHCM) mỗi ngày có 15-20 trẻ nhập viện. Khoa đang điều trị cho 60 bệnh nhi, trong đó có 15 ca tiêu chảy nặng, 3 trẻ phải truyền dịch gấp, 2 trẻ đang được theo dõi sát... Ngoài ra, Khoa Tiêu hóa còn điều trị cho hàng trăm trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa… do vi khuẩn tấn công.

Không chỉ gây khó chịu cho trẻ nhỏ, nắng nóng cũng tác động đến sức khỏe người lớn và người cao tuổi. Tại BV Da liễu TPHCM, người lớn tuổi nhập viện do viêm da tăng, cùng với nhiều bệnh lý khác.

Chủ động phòng bệnh do nắng nóng ảnh 1 Trẻ được điều trị tại khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM

Trong 20 ngày đầu tháng 3, có gần 1.000 trường hợp đến khám bệnh liên quan tới da, chủ yếu là: sạm da, viêm da, nhiễm vi nấm, lang ben, dị ứng, nổi mụn, ngứa... do tiếp xúc với ánh nắng, mồ hôi, môi trường bụi bặm, nóng ẩm. Tại BV Thống Nhất (TPHCM), bình quân cũng có trên 3.000 lượt khám/ngày, số ca liên quan tới hô hấp 110 ca/ngày, tai mũi họng là 140 lượt/ngày.

Theo BS Tăng Lê Châu Ngọc - Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2, những bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng thường rơi vào nhóm tiêu hóa, hô hấp, nhiễm siêu vi, cảm cúm và các bệnh về da. Biểu hiện của trẻ thường là sốt cao liên tục từng cơn, phát ban sau khi hết sốt... Việc thay đổi môi trường sinh hoạt từ nắng nóng sang phòng máy lạnh cũng dễ gây sốt, ho, sổ mũi. Để đối phó với nắng nóng, các bậc cha mẹ nên chú ý cho trẻ uống nhiều nước, tránh uống nước đá vì rất dễ gây viêm họng. Trời oi bức, sử dụng máy lạnh với nhiệt độ vừa phải và không quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài.

Ngoài ra, cần chú ý, thời tiết nắng nóng dễ làm thức ăn bị ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm hoặc các chứng bệnh về đường tiêu hóa. Quan trọng nhất vẫn là chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt cho trẻ, rửa tay thường xuyên và hạn chế ăn các thức ăn ngoài đường phố.

Để tăng cường khả năng miễn dịch, biện pháp chủ động và hiệu quả là tiêm vaccine phòng bệnh. Ngoài ra, cần thực hiện ăn uống hợp lý về dinh dưỡng, chọn mua thực phẩm tươi sạch; không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng; thức ăn nấu chín phải được bảo quản hợp vệ sinh; không ăn tiết canh, gỏi, nem chua, uống nước lã; rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Tin cùng chuyên mục