Chủ động phản ứng chính sách kịp thời, khoa học

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất thêm 0,75% vào đêm 27-7 và ngân hàng trung ương nhiều nước đã có nhiều đợt tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát tăng mạnh gần đây, ngày 28-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ; lạm phát tăng cao, đồng tiền nhiều quốc gia mất giá… Khi độ mở của nền kinh tế lớn với quy mô xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Trước tình hình thách thức nhiều hơn thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chủ động phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả. Không vì thủ tục, giấy tờ hành chính mà chậm trễ trong xử lý các vấn đề đặt ra.

Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Chú trọng phòng chống dịch Covid-19, nhất là đẩy mạnh tiêm vaccine; chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, chống đô la hóa, vàng hóa; tiếp tục rà soát, giảm thuế, phí, lệ phí, các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường hợp tác công tư, khơi thông mọi nguồn lực, thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, lấy nguồn lực Nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác, góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Đảm bảo điện cho sản xuất, tiêu dùng và an ninh lương thực, thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tham vấn chuyên gia, nhà khoa học và củng cố, phát huy vai trò của Tổ điều phối kinh tế vĩ mô trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục