Chủ động ngăn chặn hàng lậu, hàng giả

Trong 10 tháng đầu năm 2020, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra 3.429 vụ, phát hiện 2.583 vụ vi phạm, trong đó 575 vụ kinh doanh chứa trữ hàng lậu; 860 vụ hàng giả; 458 vụ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 141 vụ buôn bán thuốc lá nhập lậu và 548 vụ vi phạm khác. Danh sách, số lượng các vụ vi phạm sẽ còn nối dài trong khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán, là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. 

Trước đây, hàng lậu, hàng giả tuồn vào nước ta chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, thì nay bất cứ mặt hàng nào có lợi nhuận cao đều được nhập lậu, không chỉ có thuốc lá, rượu ngoại, hàng điện tử mà còn cả ma túy, hàng cấm…

Các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả với thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động khiến công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Hàng gian, hàng giả bủa vây thị trường sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 quốc gia) yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại… Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn. Xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ; tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhóm các mặt hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp, đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.

UBND TPHCM cũng yêu cầu các lực lượng chức năng, sở, ngành, UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND TP về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Điều tra, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát; không trùng lắp nhưng cũng không bỏ kẽ hở; không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa trên địa bàn. 

Đặc biệt trong thời điểm hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì việc tuyên chiến với hàng lậu, hàng giả cũng là hành động thiết thực nhằm để bảo vệ hàng Việt, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục