Chủ động liên kết để vượt khó

Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra nếu kéo dài hết quý 1-2020, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD; nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỷ USD. 
Trước dự báo “lao dốc” này, không chờ đợi dịch qua, trong những ngày này, các doanh nghiệp du lịch đã cùng với đơn vị quản lý, bàn về những giải pháp hạn chế thấp nhất ảnh hưởng.
Ngành du lịch đưa ra kịch bản dịch bệnh sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa vào cao điểm từ cuối tháng 5. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch cũng có thể xúc tiến các hoạt động du lịch outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) để bù đắp những tổn thất từ đầu năm. Dự báo khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6 và để khách tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm (từ tháng 10-2020 đến tháng 4-2021) thì từ tháng 4 đến tháng 9, ngành du lịch cần phải có những biện pháp tăng cường công tác xúc tiến quảng bá trong nước và nước ngoài.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện khôi phục hoạt động du lịch trong mùa dịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể. Từ ngày 13 đến 15-2, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lúc dịch Covid-19 đã được tổ chức nhằm bồi dưỡng kiến thức về các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan, Mỹ, Canada, Ấn Độ… Một liên minh kích cầu du lịch nội địa toàn quốc với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, các hãng hàng không lớn được xúc tiến thành lập.
Theo chia sẻ của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tại thời điểm này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã làm việc với Vietnam Airlines, một số địa phương và tập đoàn khách sạn lớn để xây dựng chương trình kích cầu toàn diện. Trong đó, cần có những cam kết cụ thể của các thành viên là đơn vị lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú trên cả nước tham gia để cùng tạo ra sức mạnh. Nội dung, kế hoạch chương trình kích cầu được thảo luận, bàn bạc với các doanh nghiệp nhằm làm rõ những điểm đến an toàn, địa phương chưa hề có dịch, nguy cơ lây nhiễm thấp hoặc gần như không có; địa phương, doanh nghiệp nào tham gia kích cầu; giảm giá bao nhiêu phần trăm, có miễn giảm vé tham quan không...
Tuy nhiên, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh hiện nay của Việt Nam, thì việc bình tĩnh, tỉnh táo để có những định hướng đúng cho doanh nghiệp và du khách, tuyên truyền tốt hơn cho những điểm đến an toàn của Việt Nam cũng là một việc làm quan trọng. Bởi thế, song song với đó là việc cần tạo tâm lý an toàn cho người dân, những người làm du lịch và du khách. Công bố thường xuyên bản đồ những điểm đến không có dịch, điểm đến an toàn, những địa phương không còn người bị cách ly theo khuyến cáo của WHO; những phương tiện, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí an toàn…
Việc không kỳ thị, phân biệt đối xử với bất kỳ đối tượng du khách nào là quan điểm nhất quán của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Tinh thần đó nên được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, tránh không khí bi quan, bị động là nhiệm vụ quan trọng giúp ngành du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng khi dịch bệnh chấm dứt và tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá ngay khi có thể.

Tin cùng chuyên mục