Chủ động để thích ứng

Dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng sức khỏe đã và đang tấn công vào “thế giới văn hóa - thể thao và du lịch” một cách dữ dội.

Có thời điểm, toàn ngành phải đối mặt với “4 không” - không tổ chức chương trình nghệ thuật; không có các sự kiện thể thao lớn; không có thị trường du lịch và du lịch quốc tế; không có các hoạt động nghệ thuật tầm cỡ, quy mô. Dự báo thời gian tới, do các yêu cầu về phòng chống dịch, cũng sẽ rất lâu mới có thể có lại các chương trình biểu diễn, các trận thi đấu thể thao có khán giả, hoạt động lễ hội… Tuy nhiên, không vì đóng cửa mà dừng lao động nghệ thuật, vì vậy chủ động thay đổi để thích ứng, phục hồi là một yêu cầu cấp thiết.

Trong một diễn đàn tìm giải pháp cấp bách để phục hồi sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL chất vấn: “YouTuber có trên 1 triệu lượt theo dõi là phát sinh doanh thu rồi. Liệu các nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể làm được điều đó? Cục Nghệ thuật biểu diễn có thể đưa ra giải pháp để các nhà hát, đoàn nghệ thuật kiếm được tiền trên mạng xã hội?”. Rõ ràng câu chuyện kiếm doanh thu từ nền tảng mạng xã hội không mới, song câu hỏi đó được đặt ra lúc này cho thấy sự chậm thích ứng của các đơn vị làm nghệ thuật.

Thực tế, nhiều nghệ sĩ điện ảnh, sân khấu, âm nhạc... đều có kênh YouTube riêng, thường xuyên đăng tải sản phẩm của mình trên nền tảng số. Những nghệ sĩ có kênh riêng, mỗi khi sản phẩm của họ được phát hành luôn lọt tốp thịnh hành, có hàng triệu lượt xem, phải kể đến Sơn Tùng MTP, Trấn Thành, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đen Vâu, 1977 Vlog... Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều người trong số họ cũng có nguồn thu khổng lồ từ YouTube, kể cả trong những ngày dịch bệnh, giãn cách này.

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi chưa đủ nổi tiếng để đầu tư xây dựng một kênh riêng cũng đã có cách “kiếm tiền” khá tốt từ việc tổ chức biểu diễn trực tuyến trên Facebook, TikTok… Ban đầu, việc biểu diễn chỉ mang tính đơn lẻ, tự phát, song chỉ một thời gian ngắn, nhiều nghệ sĩ đã chủ động xây dựng lịch diễn cố định. Không có những sân khấu lớn, không có khán giả trực tiếp nhưng chính những buổi diễn online đã giúp không ít nghệ sĩ có thu nhập tốt khi nhận tiền “tip” trực tiếp từ khán giả gửi tặng. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam còn có bước tiến xa hơn khi hợp tác phát hành các sản phẩm của mình trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music, Amazon Music, Tidal…

Song tiếc là ở quy mô lớn hơn như một đoàn nghệ thuật, một nhà hát, việc thích ứng với hoàn cảnh mới chậm và ít hiệu quả hơn. Dễ nhận thấy như các chương trình nghệ thuật trực tuyến của một số đơn vị nghệ thuật cùng chung tay thực hiện như chuỗi chương trình San sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch, ở các kênh phát chính, lượng khán giả theo dõi vô cùng ít ỏi so với lượng view trên trang cá nhân của nghệ sĩ. Nguyên nhân được chỉ ra là một thời gian dài trước đó, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật chưa nhìn nhận và đầu tư đúng tầm mức cho các kênh trực tuyến. Đơn vị nghệ thuật nào cũng có kênh online, fanpage nhưng lượng tương tác chưa cao, chưa có những chương trình được đầu tư dành cho khán giả “mạng” mà mới chỉ đưa những sản phẩm sẵn có. Mỗi đơn vị, nhà hát có cả một bộ máy vận hành lớn song lại không có được sự cộng hưởng sức mạnh thực sự, khiến người làm quản lý, làm văn hóa phải tự soi lại mình.

Dịch bệnh với những quy định phòng chống dịch khiến các nhà hát, các rạp chiếu phim, sân khấu… phải đóng cửa nhưng nó cũng mở ra nhiều cơ hội khác để các nghệ sĩ, nhà hát chuyển đổi nhanh hơn, bắt kịp với xu thế mới. Tất nhiên, để tham gia vào sân chơi trực tuyến toàn cầu là việc không đơn giản, đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ và nhất là sự thay đổi trong tư duy, cách làm nghệ thuật.

Mong muốn được trở lại biểu diễn trên sân khấu trước hàng trăm, hàng ngàn khán giả là khát khao cháy bỏng của người làm nghệ thuật trong thời điểm này. Song nếu chỉ ngồi chờ mà không tự thay đổi để thích ứng, “vụ mùa” của nghệ thuật chắc vẫn chỉ là ước mơ xa vời.

Tin cùng chuyên mục