Chủ động đầu tư để cải thiện năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường. Do đó, để có thể trụ vững trên thị trường, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, mỗi doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Doanh nghiệp tham gia chương trình SCORE sẽ được hỗ trợ để cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh
Doanh nghiệp tham gia chương trình SCORE sẽ được hỗ trợ để cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh
Tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Ông Brian Mtonya, chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới, cho rằng thiếu khả năng tiếp cận nguồn tài chính là trở ngại hàng đầu của các doanh nghiệp ở Việt Nam so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, khảo sát của hiệp hội gần đây cho thấy vẫn còn trên 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố muốn được vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng thiếu tài sản thế chấp, cũng như khó chứng minh được năng lực tài chính...
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, để tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thời gian qua, UBND TPHCM đã giao 9 đầu mối thực hiện chương trình như Sở Công thương, ban quản lý các KCX- KCN, hiệp hội doanh nghiệp... với NHNN là đầu mối thường trực. Theo đó, vốn vay trung và dài hạn mà các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay ở mức lãi suất ưu đãi 8% - 9%/năm, vay ngắn hạn tối đa 6,5%,/năm đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. 
Bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, TPHCM đã ban hành Quyết định 15 hướng tới tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ với hạn mức vay tối đa là 200 tỷ đồng/doanh nghiệp và lãi suất ưu đãi lên tới 7 năm. Chính sách này có thể giúp doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến; gia tăng năng suất sản xuất, giảm chi phí nhân công; nâng cao dịch vụ, chất lượng sản phẩm.  
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cam kết phối hợp cùng Sở Công thương và NHNN Chi nhánh TPHCM thực hiện giải ngân cho các doanh nghiệp theo Quyết định 15. Mới đây, Sở Công thương TP cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với Vietinbank triển khai gói tín dụng dành cho doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank, cho biết ngân hàng này cam kết sẽ dành gói hỗ trợ vốn vay lên tới 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất. Các doanh nghiệp, qua xét duyệt, sẽ được hỗ trợ tối đa các thủ tục để giải ngân vốn một cách nhanh nhất. Đến hết tháng 10-2017, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ đã giới thiệu và hướng dẫn cùng tư vấn cho khoảng 30 doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư. 
Giúp nâng cao năng lực sản xuất
Cùng với những chính sách ưu đãi về vốn, thời gian qua cũng có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến để nâng cao hiệu suất làm việc, đảm bảo chất lượng và xây dựng mô hình tổ chức chuyên nghiệp. Tiêu biểu như chương trình “Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE)” nhằm đào tạo, tư vấn giúp doanh nghiệp SMEs nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cường hợp tác nơi làm việc, đảm bảo các quy định về vệ sinh lao động. Từ đó xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận... Đến nay, chương trình đã hỗ trợ 146 doanh nghiệp với nhiều kết quả tích cực. 
Bà Trương Thị Thu Trâm, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH SXTM In Minh Mẫn, phấn khởi: “Sau khi tham gia chương trình SCORE với 75 dự án cải tiến hoàn thành đã giúp môi trường làm việc của công ty an toàn sạch sẽ hơn, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất; giúp giảm các thao tác thừa, tăng năng suất; gắn kết tinh thần làm việc nhóm; từ đó, tăng lợi nhuận cho công ty cũng như thu nhập của công nhân viên tăng lên”.
Đánh giá về chương trình này, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết qua thực tế triển khai tại TPHCM, các doanh nghiệp phản ánh rất tích cực. Nhờ tham gia chương trình đào tạo này mà nhiều doanh nghiệp đã từng bước nâng cao được năng suất lao động, thay đổi cơ bản văn hóa sản xuất trong đơn vị.
Từ đó, đã lọt vào tầm ngắm của nhiều đối tác là doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay doanh nghiệp FDI lớn; mở ra nhiều triển vọng hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Dự kiến, trong giai đoạn 2018-2020, trung tâm sẽ kết nối, hỗ trợ thêm khoảng 40 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố tham gia chương trình SCORE.
Cùng với đó, bà Oanh khẳng định, trung tâm sẽ luôn là “cầu nối” giúp doanh nghiệp tham gia chương trình tìm kiếm, hợp tác kinh doanh với các đối tác thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối với doanh nghiệp, tập đoàn FDI...
Trong khi đó, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM, cho biết để hỗ trợ các doanh nghiệp của thành phố nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Ban quản lý Khu CNC phối hợp với Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM khảo sát khoảng 100 doanh nghiệp công nghiệp của thành phố; từ đó, chọn ra những doanh nghiệp tiềm năng, phù hợp với các yêu cầu, nhu cầu của các tập đoàn FDI trong Khu CNC.
Ban Quản lý Khu CNC sẽ kết hợp với các tập đoàn FDI cử chuyên gia tới doanh nghiệp, xem xét từng mục một trong quá trình quản lý vận hành, quy trình sản xuất hay quy trình quản lý để hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả làm việc cũng như năng suất lao động.
Có thể nói, hiện công nghệ, máy móc thiết bị của doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu kém. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động nhập khẩu công nghệ cũng như liên doanh liên kết với doanh nghiệp FDI để đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư vào hoạt động nghiên cứu để cải thiện năng lực cạnh tranh, từng bước đáp ứng những thay đổi trong yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Tin cùng chuyên mục