Chủ động đấu tranh thông tin sai trái, thù địch trên mạng

Gần đến ngày cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cũng là lúc các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản biện cực đoan đẩy mạnh hành động chống phá, nhất là trên môi trường mạng. Do đó, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, chủ động để đấu tranh.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả trên mạng xã hội gần đây đã xuất hiện nhiều bài phân tích khá sâu sắc chiêu thức của những trang phản động xoay quanh các vấn đề nhạy cảm. Đó là các đại án liên quan đến tài sản công, kinh tế và tham nhũng, những “câu chuyện về chính trị” không có căn cứ được thêu dệt như thật.

Đi kèm đó là những luận điệu xuyên tạc kích động làm giảm sút lòng tin của người dân về cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới. Trên một số trang mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin sai lệch, cố tình gây hoang mang dư luận trong công cuộc phòng chống Covid-19 của Nhà nước ta. 

Đây là những đề tài với chiêu thức thể hiện rất bình thường (như lợi dụng tính năng “tạo nhóm”, “tạo trang”, “chia sẻ” trên các mạng xã hội để tiếp cận nhiều người sử dụng mạng xã hội). Nhưng đằng sau các chiêu trò ấy là gì? Đó là mưu đồ bí hiểm, cay độc. Với mục tiêu chính trị là làm cho người dân, đặc biệt là giới trẻ lệch lạc, mơ hồ trong nhận thức, hoang mang, dao động, không rõ thực hư dẫn đến giảm sút lòng tin vào Đảng, chính quyền cũng như sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta. Và cuối cùng dù rất quanh co, che chắn với những lời lẽ thể hiện sự “tâm huyết” “vì nước vì dân” thì vẫn là chủ đích đòi “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”… để đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng làm sụp đổ chế độ của chúng ta.

Chủ động đấu tranh thông tin sai trái, thù địch trên mạng ảnh 1 Ông Phạm Chí Thành, Trưởng ban Mặt trận Khu phố Thái Bình 1, phường Long Bình, TP Thủ Đức tuyên truyền công tác bầu cử đến người dân. Ảnh: THU HƯỜNG 

Trong công cuộc đấu tranh với các thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng, có một hiện tượng cần đặc biệt quan tâm đó là thái độ thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share) mà không hề phân biệt đúng sai, không rõ nguồn gốc và bản chất sự việc do thiếu thông tin và sự hiểu biết cũng tham gia nhiệt tình. Hành động thiếu thận trọng này đã và đang tiếp tay, góp phần khuếch tán nhanh hơn nội dung chống phá của các loại thông tin này trên mạng xã hội.

Trong khi đó, cơ quan báo chí chính thống dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đã có những cố gắng lập luận phản bác, đấu tranh. Song, khả năng áp đảo chưa rõ rệt, hoạt động chưa thật sự hiệu quả để đẩy lùi thông tin xấu độc. Thông tin tốt, chính thống thường cũ, chậm, lan tỏa chưa nhiều, chưa kịp thời, hình thức kém hấp dẫn.

Để góp phần làm trong sạch và lành mạnh mạng xã hội, theo chúng tôi phải có biện pháp đồng bộ, kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện thụ động, hô hào chung chung không hiệu quả. Đặc biệt là thái độ khi bình thường thì bộc lộ lơ là, mất cảnh giác, khi có biến động thì cán bộ cơ sở hoang mang dao động.

Các cơ quan chức năng, cần phát huy vai trò tham mưu, trực tiếp tổ chức tiến hành các hoạt động đấu tranh, trong đó Ban Tuyên giáo và hệ thống chính trị các cấp cần có sự chỉ đạo thường xuyên kịp thời, định hướng trước những vấn đề nảy sinh ảnh hưởng trực tiếp đến dư luận xã hội. Đồng thời cần tổ chức và phối hợp chặt chẽ với lực lượng của các cơ quan chức năng làm nòng cốt tham gia đấu tranh trên các trang mạng xã hội.

Các cơ quan này cần được cung cấp đầy đủ phương tiện, thông tin, có khả năng tác nghiệp kỹ thuật cao với hình thức hấp dẫn, tạo sự liên kết mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, huy động đông đảo cộng đồng mạng có bản lĩnh, trình độ chính trị, nếp sống có văn hóa, văn minh, động cơ trong sáng, không vụ lợi, không cá nhân, tôn trọng sự thật, tôn trọng luật pháp… được tổ chức chặt chẽ, rộng khắp để đấu tranh. 

Một công việc quan trọng là cần công bố những thông tin chân thật kịp thời để dẫn dắt dư luận tạo sự đồng thuận, thống nhất cao để chủ động vạch trần những quan điểm và thông tin sai trái. Đi đôi với đấu tranh phản bác những quan điểm chống đối, tiêu cực cần kiên quyết nghiêm trị bằng luật pháp các thế lực chống phá đã vượt “ranh giới đỏ” để răn đe.

Ngày 12-5, nguồn tin từ Cơ quan An ninh cho biết, cơ quan này vừa đấu tranh, làm tan rã nhiều hoạt động tuyên truyền của các hội nhóm, tổ chức phản động trong nước và tại nước ngoài, thông qua mạng xã hội có bài viết tung tin thất thiệt về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều hội nhóm lập ra các tài khoản, fanpage, trang web đưa thông tin, hình ảnh sai lệch về một số ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND các cấp; giới thiệu người không nằm trong danh sách bầu cử, nhằm hướng dư luận có cách hiểu khác về tiêu chuẩn, tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên. Các đối tượng còn lập trang web “Tim về bầu cử” để xuyên tạc bầu cử, hướng dẫn các phần tử xấu len lỏi vào khu dân cư kích động người dân không đi bầu cử.

Từ các vụ việc được đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng vừa qua, Cơ quan An ninh các địa phương đề nghị người dân hết sức cảnh giác với luận điệu, thủ đoạn của kẻ xấu, kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng những hành động, thông tin xấu trên mạng xã hội và trong đời sống; không tán phát, chia sẻ thông tin có nội dung xấu, vấn đề mới phát sinh trong thực tế mà chưa được kiểm chứng.

                                                                                                  HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục