Chủ động bảo vệ thương hiệu

“Cha đẻ” của gạo thơm ST25 vừa thay nhãn hàng mới “Gạo ông Cua” để làm mới sản phẩm này. Tuy nhiên, ngay sau đó, theo đại diện Công ty Hồ Quang Trí - doanh nghiệp sở hữu sản phẩm này, đã phát hiện thương hiệu bị làm giả nhãn hiệu rất nhiều ở các địa phương.
Gạo ST25 mới có in hình ông Cua. Ảnh: NVCC
Gạo ST25 mới có in hình ông Cua. Ảnh: NVCC

Trước đó, doanh nghiệp nói trên cũng thường xuyên thay đổi bao bì, nhãn mác sản phẩm, nhưng chỉ cần đưa sản phẩm ra thị trường vài ngày là có hàng giả, nhái giống hệt. Không chỉ gạo mà giống lúa ST25 cũng bị làm giả để bán cho nông dân. Thậm chí, bao bì của gạo ST25 nhái nhãn hiệu của doanh nghiệp Hồ Quang Trí còn được rao bán trên thị trường với giá vài ngàn đồng/túi. 

Tháng 5-2021, tổ chức The Rice Trader đã đưa ra thông báo về tình trạng nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam sử dụng biểu tượng thương hiệu giải thưởng quốc tế “Gạo ngon nhất thế giới” trên các bao bì mà không được công nhận. Theo The Rice Trader, Công ty Hồ Quang Trí đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” với thương hiệu ST25 là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đoạt giải này. Đồng thời, The Rice Trader cũng cảnh báo chính thức tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”. Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”. Nếu không có giải pháp thích hợp, The Rice Trader sẽ công khai những tên doanh nghiệp này. Đáng chú ý, việc nhái, giả đang khiến tổ chức “Gạo ngon nhất thế giới” cân nhắc đến việc xem xét “quốc gia có nhiều doanh nghiệp vi phạm, có thể mất quyền tham gia cuộc thi này trong những năm tiếp theo”.

Không chỉ gạo, trong nông nghiệp còn có phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống… cũng thường xuyên bị làm giả bày bán với giá rẻ hơn nhiều, nên nông dân mua nhầm thường xuyên. Hậu quả, nông dân sử dụng các sản phẩm nhái, kém chất lượng thường bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, nhiều thương hiệu thực phẩm nổi tiếng như sữa, bánh, bột nêm, nước mắm, cà phê, bia, nước ngọt… cũng bị làm giả trên thị trường.

Thiết nghĩ, để tránh bị làm giả, bản thân các doanh nghiệp phải thường xuyên thông tin đến người tiêu dùng cách nhận biết sản phẩm, phân biệt được sản phẩm thật, sản phẩm giả. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần đề xuất các mức phạt cụ thể, tăng nặng và đủ sức răn đe những hành vi làm giả, làm nhái thương hiệu. Quan trọng hơn hết, khi phát hiện sản phẩm bị làm giả, doanh nghiệp cần sớm chủ động, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Tin cùng chuyên mục