Chủ động bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh

Theo Bộ Y tế, tính đến 21-1, chỉ riêng tại TPHCM đã ghi nhận 1.989 ca mắc sởi phải nhập viện. Ở TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, số người mắc sởi nhập viện cũng có chiều hướng tăng mạnh so với cùng thời điểm 2-3 năm trở lại đây.

Miền Bắc đang vào giai đoạn chuyển mùa đông xuân, thời tiết giá lạnh, thậm chí rét hại, rét đậm kéo dài cùng với mưa phùn ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho không ít dịch bệnh về đường hô hấp, thủy đậu, cúm, rubella, tiêu chảy, ho gà... bùng phát. Trong khi tại các tỉnh phía Nam đáng lo là dịch sởi đã xuất hiện ở nhiều địa phương, khiến không ít người lo lắng về nguy cơ bùng phát trên diện rộng như thời điểm cuối năm 2013 và đầu năm 2014 (gây ra cái chết của hơn 100 trẻ nhỏ).

Theo Bộ Y tế, tính đến 21-1, chỉ riêng tại TPHCM đã ghi nhận 1.989 ca mắc sởi phải nhập viện. Ở TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, số người mắc sởi nhập viện cũng có chiều hướng tăng mạnh so với cùng thời điểm 2-3 năm trở lại đây.

Theo cảnh báo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong giai đoạn hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như: MERS-CoV (tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông); dịch sởi (xảy ra tại nhiều quốc gia ở châu Âu, trong đó có một số nước đã công bố loại trừ dịch sởi); các chủng cúm gia cầm như H7N9 (vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực và xâm nhập vào nước ta nếu chúng ta không thực hiện tốt biện pháp kiểm soát và ngăn chặn). Trong nước, ngoài các yếu tố do thời tiết, thì môi trường sống ở nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, điều kiện vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm chưa thực sự đảm bảo an toàn... cũng là những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh tăng cao. Nhất là khi nhiều người vẫn rất chủ quan, lơ là.

Trước mắt, Bộ Y tế cần tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt những biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, tập trung vào công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý các ổ dịch, cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở; huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch. Các bệnh viện cần nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm bệnh, hạn chế tối đa tử vong. Về phía chính quyền các cấp, đòi hỏi phải quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo, xử lý những cá nhân, tổ chức coi thường sức khỏe, tính mạng cộng đồng, vi phạm các quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh. 

Quan trọng hơn để chia lửa với ngành y tế  trong công tác phòng, chống dịch bệnh, mỗi người dân, gia đình cần nêu cao trách nhiệm, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng trong tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo của ngành y tế như: thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ gìn nhà ở và môi trường sống sạch sẽ. Đặc biệt, các gia đình có trẻ nhỏ phải cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, vì hiện nay vaccine vẫn là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, an toàn và kinh tế nhất.

Tin cùng chuyên mục