Chống lãng phí thức ăn bằng công nghệ

Chính phủ Singpore đã xác định lãng phí thức ăn là một trong những vấn đề của quốc gia. Thống kê chính thức cho thấy Singapore hiện tạo ra trung bình gần 64.000 tấn chất thải thực phẩm mỗi tháng, tăng 34% so với 10 năm trước, còn tỷ lệ tái chế thực phẩm dư thừa hiện chỉ ở mức 17%. 

Mới đây, các nghị sĩ đã đề xuất quốc hội ban hành luật chế tài các doanh nghiệp vứt bỏ thực phẩm vẫn còn dùng được, đồng thời có chính sách khuyến khích như giảm thuế khi thu gom và mang tặng thức ăn.

Hưởng ứng chương trình chống lãng phí thực phẩm của chính phủ, đã có nhiều nhóm dân sự tình nguyện kêu gọi giải cứu thức ăn thừa để phân phát cho người thiếu thốn nhằm giảm lãng phí. Hoặc như Rayner Loi sử dụng công nghệ, tạo ra phần mềm nhận diện, chống lãng phí thực phẩm. Ý tưởng đầu tiên của Rayner Loi là một ứng dụng di động cho phép các nhà hàng có thực phẩm dư thừa bán cho những khách hàng khó khăn với mức giá rẻ.

Sau đó, Rayner Loi hướng đến thị trường lớn hơn là nhà hàng, khách sạn với dự án Good For Food, trong đó cài đặt thiết bị theo dõi được gọi là Insight bên trên thùng rác. Khi thực phẩm được ném vào thùng rác, thiết bị theo dõi sử dụng camera, cảm biến và công nghệ nhận dạng hình ảnh tích hợp để ghi lại rác bên trong. Dữ liệu thu thập được sẽ tự động gửi thành báo cáo qua điện toán đám mây, từ đó nhắc nhở khách hàng về việc giảm lãng phí thực phẩm.

“Nếu chúng ta có thể báo với một nhà hàng ăn tự chọn rằng trong 30 ngày qua, họ đã vứt đi trung bình 10kg cà ri gà mỗi bữa trưa, họ có thể từ thông tin đó mà lên kế hoạch tốt hơn cho các dịch vụ trong tương lai. Có lẽ họ có thể giảm 5kg cà ri gà trước, sau đó tiếp tục theo dõi xem liệu có biện pháp tối ưu hơn nữa không”, Rayner Loi giải thích.

Nhờ máy theo dõi Insight, các cơ sở đã tiết kiệm được khoảng 30%-40% thực phẩm dư thừa, từ đó chi phí nguyên liệu của họ giảm khoảng 3%-8%. Đơn cử, khách sạn Andaz Singapore đã bắt đầu thử nghiệm máy theo dõi Insight vào tháng trước, và Tổng Giám đốc khách sạn, ông Olivier Lenoir, hy vọng sẽ giảm được 20% thực phẩm bỏ đi. Trước đó, khách sạn đã thu gom thực phẩm dư thừa và ghi lại trọng lượng nhưng đó là hỗn hợp đủ loại, không thể phân biệt đâu là cá hồi hun khói hay vỏ cam, cũng không thể biết thứ nào còn tốt có thể ăn được hay có phương pháp bảo quản tốt hơn. “Nhưng giờ, hệ thống Good For Food đã giúp chúng tôi giải quyết được điều đó. Để không lãng phí, thay vì đặt một đĩa lớn tất cả cá hồi hun khói lên dây chuyền, chúng tôi có thể có 3 đĩa nhỏ hơn và chỉ đưa ra một lần một”, ông Lenoir nói.

Hiện nay, Công ty Good For Food mà Rayner Loi đồng sáng lập năm 2017 đang liên kết với một số thương hiệu khách sạn quốc tế, đồng thời nhận được sự quan tâm ngày càng tăng từ các thị trường như Jakarta và Macau. Đại diện Temasek Foundations, quỹ đã tài trợ cho start-up này cho biết: “Chúng tôi hy vọng nhiều người trẻ tuổi sẽ gia nhập hàng ngũ những nhà phát minh và tìm giải pháp để biến Singapore thành một nơi bền vững và đáng sống hơn”.

Tin cùng chuyên mục