Chông chênh nghiệp đoàn nghề cá

Với mục tiêu liên kết người lao động trên biển thành một khối thống nhất để làm ăn, bảo đảm an toàn và bảo vệ chủ quyền lãnh hải của quốc gia, năm 2011, Bình Thuận là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC). Tuy nhiên, sau 10 năm, các NĐNC tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn, kém hiệu quả.
Các nghiệp đoàn nghề cá ở Bình Thuận đang hoạt động rời rạc, kém hiệu quả
Các nghiệp đoàn nghề cá ở Bình Thuận đang hoạt động rời rạc, kém hiệu quả

Hoạt động rời rạc vì thiếu kinh phí

Tháng 11-2011, sau khi được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam chấp thuận, hàng loạt NĐNC của tỉnh Bình Thuận liên tiếp ra đời. Đến tháng 8-2014, toàn tỉnh đã thành lập được 5 nghiệp đoàn phân bố dọc các địa phương ven biển với 820 đoàn viên, cán bộ công đoàn của 74 tàu đánh bắt xa bờ. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, hoạt động của các NĐNC tại tỉnh Bình Thuận đang yếu ớt, thiếu liên kết. Địa phương hiện chỉ còn 562 đoàn viên và 53 tàu cá tham gia tại 5 NĐNC. Vấn đề thiếu kinh phí hoạt động, quy chế và phương thức hoạt động còn lúng túng, các đoàn viên chưa nhận thức được vai trò của mình, khiến các nghiệp đoàn trở nên rời rạc, thiếu sự liên kết. Chủ tịch NĐNC Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) Võ Mao cho biết: “Giai đoạn từ năm 2011-2015, các NĐNC được hỗ trợ kinh phí để hoạt động nên việc tổ chức sinh hoạt giữa ban chấp hành và các thành viên diễn ra thường xuyên và hiệu quả. Nhưng từ năm 2015 đến nay, nguồn kinh phí hỗ trợ không còn, nên các NĐNC hoạt động rất khó khăn. Đã hơn 5 năm nay, NĐNC Phan Rí Cửa đã không thể sinh hoạt vì không có kinh phí”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các NĐNC khác ở tỉnh Bình Thuận. Đại diện NĐNC huyện đảo Phú Quý cũng cho biết, tình hình hoạt động nghiệp đoàn đang hết sức khó khăn vì không có kinh phí để triển khai các hoạt động tuyên truyền, gắn kết thành viên với nhau.

Hiện nay, ban chấp hành của 5 nghiệp đoàn trong tỉnh chưa tìm được nguồn kinh phí hoạt động, nên chưa được hưởng phụ cấp. Với họ, tham gia điều hành tại các nghiệp đoàn chủ yếu là vì mục đích đóng góp cho xã hội. Để có kinh phí tổ chức hoạt động thăm hỏi, động viên thành viên trong nghiệp đoàn lúc khó khăn, một số NĐNC ở tỉnh Bình Thuận đã phải kêu gọi các chủ tàu cá đóng góp. “Lúc đầu họ còn tham gia, nhưng sau đó do tình hình khai thác hải sản gặp khó khăn, các đoàn viên thiếu sự gắn bó với chủ tàu nên họ không tham gia nữa”, ông Võ Mao chia sẻ.

Ngoài vấn đề về kinh phí, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Thuận Nguyễn Xuân Phối cũng thừa nhận, hiện nay việc duy trì số đoàn viên tại các NĐNC là cả một vấn đề. Nhiều khi đoàn viên đang đi trên tàu thuộc nghiệp đoàn của mình, nhưng rồi họ thấy tàu khác có thu nhập cao hơn là họ rời qua. Từ đó, các chủ tàu không giữ được lực lượng thường xuyên, lâu dài. Ngoài ra, chủ yếu đoàn viên thời gian ở trên biển nhiều hơn ở đất liền, nên việc tập hợp để sinh hoạt gặp khó khăn. 

Cần sự hỗ trợ thiết thực

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Thuận Nguyễn Xuân Phối, do tính đặc thù của nghề biển nên hoạt động của các NĐNC trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là về kinh phí hoạt động và việc duy trì số đoàn viên tham gia nghiệp đoàn. Trong khi đó, do công nghệ và trình độ đánh bắt của các tàu cá ở địa phương còn thấp, thu nhập của đoàn viên và người lao động còn bấp bênh, nên phần đông lao động trẻ đang có xu hướng chọn những ngành nghề khác để mưu sinh và có thu nhập ổn định hơn.

Ông Võ Mao cũng chia sẻ, nguồn lợi thủy hải sản đang dần cạn kiệt, hiệu quả đánh bắt bị giảm sút nên nhiều đoàn viên đang có xu hướng chuyển đổi nghề để tìm kế sinh nhai. Mặt khác, do chưa nhận thấy được quyền lợi khi tham gia các nghiệp đoàn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu suất khai thác xa bờ, nên nhiều đoàn viên, chủ tàu cá tỏ ra không mặn mà, thiếu sự gắn bó.

Để duy trì phát triển bền vững NĐNC, LĐLĐ tỉnh Bình Thuận đề xuất nhiều giải pháp với Tổng LĐLĐ và NĐNC Việt Nam. Trong đó, việc nghiên cứu các quy định về tạo nguồn thu cho các NĐNC để có kinh phí hoạt động là vấn đề cấp bách. Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ đoàn viên, ngư dân được tham gia chính sách vay tín dụng, vay vốn lưu động để sản xuất; hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên và hỗ trợ chi phí mỗi chuyến đi biển. 

Đại diện các NĐND của tỉnh Bình Thuận cũng nhận định, về lâu dài, cần xây dựng nội dung thỏa thuận giữa tổ nghiệp đoàn với chủ tàu về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đoàn viên, ngư dân làm việc trên tàu cá. Từ đó từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm ràng buộc giữa chủ tàu với ngư dân, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa chủ tàu và ngư dân, để đoàn viên xem tàu là nhà, cùng lao động, cùng hưởng thành quả và chia sẻ lúc gặp khó khăn chung, có như vậy mới tạo sự gắn bó để ổn định việc làm, đời sống và hạn chế việc biến động nhân sự trong nghiệp đoàn do người lao động chạy theo thu nhập.

Tin cùng chuyên mục