Chông chênh đường vào trường y

Hai tân sinh viên Bình Định vừa nhập học tại TPHCM: Nguyễn Thị Bích Thủy (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) và Lê Đình Lân (Đại học Y Dược TPHCM) đều có ý chí vượt hoàn cảnh nghèo khó, luôn giữ thành tích xuất sắc suốt 12 năm học phổ thông. Vậy nhưng, chặng đường học tập tiếp theo của hai em đang hết sức chông chênh.
Anh Lê Đình Luận (bố của Lân) chăm sóc hai con bò để lo tiền ăn học cho con trai ở TPHCM
Anh Lê Đình Luận (bố của Lân) chăm sóc hai con bò để lo tiền ăn học cho con trai ở TPHCM

Gắng gượng vì ước mơ của con

Lần theo con hẻm dài giữa khu ổ chuột dưới chân núi Vũng Chua (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định) mới đến được căn nhà nhỏ của gia đình sinh viên Nguyễn Thị Bích Thủy. Gọi là nhà, nhưng thực chất đó là một căn phòng ghép chung trong khu tập thể lụp xụp giữa xóm nghĩa địa. Anh Nguyễn Quốc Định (47 tuổi, ba của Thủy) ngồi trên chiếc ghế cũ nhìn ra ngõ hẻm với ánh mắt chất chứa tâm trạng đầy âu lo. Khi được hỏi, anh Định giãi bày: “Để cháu Thủy vô TPHCM nhập học hồi tháng 8 vừa rồi, vợ chồng tôi phải chạy vạy vay mượn ngân hàng và bà con mới có đủ 28,6 triệu đồng nộp học phí kỳ đầu cho con. Giờ tôi lo quá, chặng đường dài trước mắt vô cùng gian nan, tôi thực sự chưa biết phải làm sao!”.

Hơn 10 năm trước, anh Định vốn là một thợ gỗ giỏi nghề. Nhưng từ mấy năm nay, anh bị bệnh, không còn đủ sức khỏe để theo nghề nên phải nghỉ việc. Kinh tế gia đình ngày càng lao dốc, nợ nần chồng chất buộc anh phải bán ngôi nhà giữa TP Quy Nhơn để trả nợ, rồi tìm mua căn nhà nhỏ giữa khu ổ chuột này tá túc. Anh Định đau ốm triền miên, mọi sinh kế chính của gia đình đều trông đợi cả vào vợ là chị Nguyễn Thị Bích Thanh (40 tuổi). Bản thân chị Thanh mỗi ngày làm việc 2 ca cho quán ăn, mỗi tháng thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng, chỉ đủ tằn tiện trang trải cuộc sống, lo thuốc thang cho chồng và nuôi con.

Ngày Thủy nhận thông báo trúng tuyển Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với số điểm 28,4, anh Định mừng rơn chạy khoe khắp xóm làng. Nhưng niềm vui chưa tày gang, người cha chột dạ khi nghĩ đến 6 năm học dài đằng đẵng của con. Biết ba mẹ nghèo khó, Thủy tiêu pha chắt bóp, mua 1 chiếc xe đạp 500.000 đồng làm phương tiện đến trường và xin đi dạy kèm để có thêm chút tiền sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Cô sinh viên nghèo đang rất cần được giúp đỡ để biến ước mơ chữa bệnh cho người nghèo trở thành hiện thực.

Ba ơi cố lên!

Anh Lê Đình Luận (bố của sinh viên Lê Đình Lân) do làm việc quá nhiều nên nom già hơn cái tuổi 42 của mình. Vợ chồng anh Luận sớm tối lam lũ lo cho con ăn học. Nghe tin Lân đậu vào Trường Đại học Y Dược TPHCM, vợ chồng anh Luận nửa mừng nửa lo, mừng vì con đạt thành tích xuất sắc, nhưng lo vì vợ chồng anh quá nghèo, tiền đâu lo cho con đi học.

Bản thân anh Luận là con út trong nhà, anh nhận trách nhiệm chăm lo mẹ già 86 tuổi và một người anh mắc bệnh tâm thần. Mỗi năm, vợ chồng anh nuôi vài con heo nái và mấy con bò để lấy giống gầy đàn. Hàng ngày, anh Luận chăn đàn heo, bò; còn vợ là chị Nguyễn Thị Cúc (40 tuổi, mẹ của Lân) xin làm mướn cho người làng để kiếm thêm thu nhập dù rất bấp bênh. Cả năm chắt chiu từ chăn nuôi và làm thuê cũng dôi ra được 20 triệu đồng. Mấy năm gần đây, chăn nuôi và trồng trọt bị ảnh hưởng do bão lũ, dịch bệnh triền miên nên gia đình anh Luận lâm vào cảnh khó khăn, phải vay nợ ngân hàng lên đến 200 triệu đồng để khôi phục lại nghề nuôi, trồng.

Từ nhỏ, em Lê Đình Lân đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ giỏi. Học xong lớp 12 Trường chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn), Lân trúng tuyển Đại học Y Dược TPHCM với 28,55 điểm. Khăn gói vào thành phố nhập học, ngày đầu đến trường, Lân báo về tiền học phí phải đóng năm học đầu tiên là 68 triệu, vợ chồng anh Luận mất ăn mất ngủ. “Lúc biết mức học phí, tôi như suy sụp vì quả thực, đó là khoản tiền quá lớn đối với vợ chồng tôi. Tôi đứt ruột định khuyên con nghỉ học, nhưng thằng nhỏ khóc và nói: “Ba cố giúp con, được năm nào hay năm đó. Ở trong này, con cũng sẽ cố gắng tằn tiện và tìm cách xoay xở thêm”. Nghe con nói thế tôi thương lắm, nên cố chạy vạy, vay mượn khắp nơi mới đủ cho con nộp học phí kỳ đầu”, anh Luận kể.

Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, do Báo SGGP là đơn vị thường trực, đang vận động nguồn hỗ trợ ổn định, để giúp các em sinh viên y khoa hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục nỗ lực, thực hiện ước mơ trở thành những bác sĩ giỏi cứu người. Hội đồng quản lý quỹ cũng đang xem xét hoàn cảnh của hai sinh viên Nguyễn Thị Bích Thủy và Lê Đình Lân để có hướng giúp đỡ thiết thực.

Tin cùng chuyên mục