Chông chênh đổi mới giáo dục phổ thông - Bài 3: Sách giáo khoa phải chỉn chu

Sau 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, không thể phủ nhận làn gió mới mang lại với việc dạy và học ở các trường phổ thông. Phải chăng khi lối tư duy kiến thức hàn lâm đã ăn sâu vào gốc rễ, chương trình mới vẫn tiếp tục nặng nề. Chuyện chi 3.500 tỷ đồng in sách giáo khoa (SGK) cho học sinh (HS) nghèo liệu có hiệu quả khi sách chưa chuẩn?

Càng sửa càng nhiều “sạn”

 CT GDPT 2018 đặt ra mục tiêu thay đổi phương pháp dạy học, giảm lý thuyết hàn lâm, tăng hoạt động thực hành, nâng cao chất lượng đầu ra cho HS. Trên thực tế, qua 3 năm triển khai, nhiều giáo viên cho biết chương trình chưa thật sự giảm tải kiến thức, thiếu tính đồng bộ giữa 2 cấp THCS và THPT. 

Cụ thể, ở môn Khoa học tự nhiên khối 6, cô Nguyễn Thị Phương Thanh, giáo viên Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), cho biết, dù có chung tên gọi môn tích hợp nhưng SGK vẫn đi theo mạch kiến thức từng phân môn. Trong đó, phân môn Vật lý đưa kiến thức về biểu diễn lực của lớp 8 (theo chương trình cũ) dạy ở lớp 6 nên hơi khó với HS. Ngoài ra, tổng lượng kiến thức môn Khoa học tự nhiên khá nặng do gộp chung kiến thức 3 phân môn, tạo tâm lý ngán học ở HS. Đặc biệt, việc bậc THCS gộp chung 3 phân môn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học vào môn Khoa học tự nhiên nhưng lên đến THPT lại tách thành 3 môn riêng lẻ khiến việc tiếp thu kiến thức của HS bị đứt quãng, ảnh hưởng mục tiêu chọn ngành và môn học của các em.

Chông chênh đổi mới giáo dục phổ thông - Bài 3: Sách giáo khoa phải chỉn chu ảnh 1 Học sinh khối 6, Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) tìm hiểu kiến thức thông qua hoạt động của Chương trình GDPT 2018. Ảnh: THU TÂM

Đối với bậc THPT, cô Lại Tố Trân, Tổ trưởng Tổ Hóa, Trường THPT Trưng Vương (quận 1), cho biết, CT GDPT 2018 đưa thêm kiến thức về liên kết hydrogen và biến thiên enthalpy của phản ứng hóa học vào giảng dạy cho HS khối 10. Đây là 2 mảng kiến thức mới chưa triển khai ở bậc THPT trong chương trình cũ. Bên cạnh đó, thử thách lớn nhất đối với giáo viên và HS khối 10 năm nay là bộ danh pháp (cách đọc tên các nguyên tố hóa học) thay đổi hoàn toàn so với chương trình trước đây.

“HS lớp 10 năm nay thì 2 năm trước khi học lớp 8, 9 các em được dạy cách đọc tên nguyên tố theo cách cũ. Nay phải học lại toàn bộ tên nguyên tố theo phiên âm tiếng Anh, chưa kể một số ký hiệu trong SGK cũng thay đổi gây khó cho việc tiếp nhận của HS”, cô Trân bày tỏ. 

Ở môn Vật lý, cô Trịnh Thị Quỳnh Như, phụ trách môn Vật lý khối 10, Trường THPT Trưng Vương, nhận định, chưa có sự đồng bộ về phương pháp giữa SGK và sách bài tập biên soạn theo chương trình mới. Trong đó, kiến thức mới đưa vào không nhiều nhưng cách tiếp cận có thay đổi, độ bao phủ kiến thức rộng hơn, giáo viên phải biết chắt lọc kiến thức trọng tâm để triển khai cho HS. Mặc khác, chương trình mới không tập trung các dạng bài tập có độ khó cao như trước mà thiên về kiến thức tổng quát, phù hợp với việc học và làm bài thi trắc nghiệm với HS. 

Đối với môn Toán, cô Nguyễn Thị Thanh Thế, Trưởng bộ phận chuyên môn tại Gia sư eTeacher, cho biết, chương trình lớp 10 năm nay có 3 nội dung mới là đại số tổ hợp, nhị thức Newton và xác suất - vốn thuộc nội dung chương trình lớp 11 các năm học trước. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất hiện nay của giáo viên là định hướng thi cử sẽ thay đổi thế nào trong 3 năm tới, tránh dạy học theo kiểu mò mẫm, tạo áp lực không đáng có cho HS.

Trong báo cáo gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 4, Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc triển khai Chương trình SGK GDPT 2018 còn một số bất cập. Đơn cử như SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo CT GDPT 2018 còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương (phương ngữ); một số đoạn văn, bài thơ đưa vào SGK chưa hay; thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh…

Băn khoăn con số 3.500 tỷ đồng

 Thời gian qua, các chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục bàn luận sôi nổi về đề xuất chi 3.500 tỷ đồng phát hành SGK miễn phí cho HS nghèo của Bộ GD-ĐT. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), đây là chính sách nhân văn, đáp ứng nhu cầu học tập của đối tượng HS không có đủ điều kiện trang bị SGK.

Tuy nhiên, chính sách đi vào cuộc sống được hay không, TS Hoàng Ngọc Vinh lo lắng: “Thời gian qua, dư luận lo ngại về chương trình dạy tích hợp do đội ngũ giáo viên hiện chưa đủ năng lực giảng dạy. Vì thế, cần đánh giá ngay về kết quả thực hiện chương trình phổ thông mới, những tác động, rào cản, nguyên nhân căn cốt để không phát hành SGK rồi lại sửa đổi chương trình như ném tiền qua cửa sổ”. 

Bên cạnh đó, khi có chủ trương phát hành SGK miễn phí cho HS nghèo thì ngoài việc tính toán nhu cầu đảm bảo không dư thừa, vấn đề quan trọng là những đầu SGK này phải thuộc bộ SGK chuẩn do Bộ GD-ĐT nắm bản quyền. Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ chi phần lớn trong cơ cấu giá thành để trả công viết sách, bản quyền cho tác giả, tổ chức thử nghiệm, thẩm định SGK tiêu chuẩn, còn lại các khâu xuất bản, phát hành sẽ đấu giá để các nhà xuất bản tham gia đấu thầu in và phát hành công khai. Bộ GD-ĐT là đơn vị nắm quyền sở hữu bộ sách chuẩn và cung cấp cho HS các vùng khó khăn. Vậy nếu trẻ em nghèo học ở những trường, lớp dạy theo SGK khác của bộ sẽ hỗ trợ cách nào?

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng, để khỏi lãng phí tiền của đổ vào soạn SGK, việc tuyển chọn đội ngũ biên soạn là rất quan trọng. Đội ngũ này không những phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT mà phải am hiểu kiến thức về môn học, có kinh nghiệm thực tiễn trong dạy học, hiểu được tâm sinh lý lứa tuổi HS. Ông Nguyễn Văn Ngai đề xuất, tỷ lệ giáo viên đang đứng lớp phải đạt ít nhất 1/3 số thành viên của hội đồng biên soạn. 

Theo quy định của CT GDPT 2018, SGK không còn là “pháp lệnh” như trước đây, song vẫn là tài liệu chính thức được sử dụng cho việc dạy và học ở trường phổ thông. Vì vậy, SGK phải chỉn chu cả về nội dung lẫn hình thức, chuẩn xác về ngữ liệu, ngôn phong. Do đó, cách làm cuốn chiếu hiện nay là chưa ổn. Trong đó, quá trình xây dựng đề cương tổng thể và biên soạn trước khi thông qua hội đồng, tổ chức, cá nhân theo quy định cần công bố rộng rãi để ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân với tinh thần cầu thị.

Kiến nghị sử dụng sách giáo khoa thống nhất trên toàn quốc


Đổi mới CT GDPT cũng là một trong vấn đề mà cử tri có nhiều bức xúc, trăn trở thời gian qua. Báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội trong kỳ họp lần này tuy đánh giá cao ngành GD-ĐT có nhiều cố gắng chuẩn bị các điều kiện dạy học theo Chương trình GDPT 2018 nhưng cũng cho rằng, hiện nay thực hiện cải cách giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng.

Đơn cử như việc để cho HS lớp 10 chọn tổ hợp các môn; chương trình giáo dục theo SGK mới chưa nhận được sự đồng thuận cao vì các môn học riêng biệt được tích hợp từ nhiều môn học thành môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Nghệ thuật. Mỗi phân môn gồm một số chương thể hiện sự sắp xếp chương trình gò ép dẫn đến bố trí giáo viên giảng dạy môn học rất khó khăn và thiếu sự thống nhất giữa các trường. Việc sử dụng nhiều bộ SGK ở trường phổ thông trong toàn quốc tạo nên “cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách”, sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, HS chuyển trường phải mua lại SGK, khó tiếp cận với kiến thức. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT quy định hướng dẫn việc sử dụng SGK ở trường phổ thông thống nhất trong toàn quốc; có giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ…

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới CT, SGK GDPT để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Có sự điều chỉnh cần thiết để đạt được mục tiêu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra; đề nghị nghiên cứu, sớm bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. 

Tin cùng chuyên mục