Chọn tạo giống khoai tây Đà Lạt chất lượng cao

Nhiều năm qua, khoai tây tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận thường được trồng trong mùa khô, người dân muốn trồng trong mùa mưa thường phải đầu tư vốn lớn nhưng gặp rủi ro cao do sâu bệnh.

Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao chất lượng tốt, chống chịu bệnh mốc sương và có thể canh tác quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận” tạo ra giống khoai tây TK15.80 vừa được nghiệm thu tại Đà Lạt giúp người dân có thể trồng quanh năm, tạo hướng đi cho loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa - Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (chủ nhiệm đề tài) cho biết, để lựa chọn ra được giống tốt nhất, đề tài đã nhân nhánh tổng cộng 21.600 cây khoai tây mô, 37.500 củ giống G1 và 12.700kg củ giống G2 các dòng/giống khoai tây.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, giống TK15.80 đáp ứng được các đặc tính nông sinh học phù hợp, có khả năng kháng mốc sương khá tốt, năng suất trung bình đạt 30,7 - 36,6 tấn/ha, tỷ lệ thương phẩm cao. Khảo nghiệm cơ bản trong 3 vụ tại TP Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng đạt 27,5 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 17,1%. Doanh thu đạt 254,2 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 148,2 triệu đồng/ha, cao hơn giống đối chứng 19%.

“Chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị để kịp bàn giao hơn 1 triệu cây giống khoai tây TK15.80 cho người dân trồng trong vụ đông xuân sắp tới. Về lâu dài, chúng tôi hy vọng giống mới sẽ giúp cho bà con trồng khoai tây tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ yên tâm sản xuất cả trong mùa mưa”, ông Nguyễn Thế Nhuận cho biết. 

Tin cùng chuyên mục