Chọn lọc khi nghe rap

Từ khi du nhập Việt Nam, suốt một thời gian dài, nhạc rap đối mặt với định kiến dư luận, chủ yếu chỉ chia sẻ trong cộng đồng underground (thể loại âm nhạc khác biệt - tạm dịch). Thời gian gần đây, từ sự bùng nổ của 2 cuộc thi lớn trên truyền hình, rap được biết đến rộng rãi. Người trẻ nói về rap, nghe rap, hát rap, đắm chìm trong rap và chạy theo mọi xu hướng của rap.

Nếu rap từng khó nghe, không dễ gần bởi thường gắn với ngôn ngữ của đường phố và bởi bản sắc thực sự của rap là gai góc, thì dần dần rap trong mắt công chúng đã thay đổi. Thứ âm nhạc “nổi loạn” ngày nào trở nên gần gũi, lan tỏa hơn mà không mất đi chất riêng. Những câu chuyện rap mang đến không chỉ để nghe cho đã tai mà còn mang thông điệp xã hội.

Thế nhưng, khi Thanh tra Bộ VH-TT-DL có hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo tổng cộng 80 triệu đồng với rapper Chí (Lê Vũ An) và rapper Chị Cả (Đinh Thanh Tùng), nhiều người, trong đó có các bạn trẻ từng phát cuồng vì rap, giật mình.

Những cú “bắn rap” dung tục, phản cảm vào đời sống nhạc Việt, dẫu không đại diện cho rap Việt nhưng ảnh hưởng rất lớn đến cái nhìn chung về rap. Công chúng từ có thiện cảm đã quay trở lại ngại ngùng, e dè, cảnh giác. Thậm chí, không ít người có “cái nhìn khác” khắt khe hơn về rap, về giới underground mà khó có thể trách họ.

Có một điều đáng nói là trước khi 2 bản “rap rác” trên bị xử phạt, không ít các bạn trẻ là người hâm mộ, cuồng rap đến mức khư khư bảo vệ, bênh bất chấp, cho rằng các bản rap đó chỉ là châm biếm cho vui. Lời bài hát thô thiển, dung tục nhưng vẫn có hàng loạt bạn trẻ ghép thành clip, “đu trend” đăng TikTok, Facebook câu like, câu lượt xem cho kịp xu hướng.

Chưa kể, có bạn trẻ còn lôi cái danh “underground là phải thế”, rằng rap là phải gai góc, nổi loạn và lấy rap của Âu Mỹ ra chống chế, cho rằng chạm tới những chủ đề gai góc như tiền bạc, ma túy, bạo lực, tình dục… là hiển nhiên. Thích đi ngược với những điều bình thường, thích nổi loạn, thậm chí bỏ ngoài tai lời góp ý để bất chấp chạy theo trào lưu… là những điều dễ thấy thời gian qua.

Rap là âm nhạc của đường phố. Có ai đó đã nói, dù rap đã bớt cay nghiệt như trước đây thì vẫn phải giữ lấy sự gai góc bởi nếu bẻ sạch “gai”, rap không còn là chính nó. Điều đó đúng, nhưng “gai” không đồng nghĩa với dung tục trần trụi, thô thiển, báng bổ tôn giáo, trái thuần phong, mỹ tục. Không có chỗ cho rap vô văn hóa và những rapper ứng xử thiếu chuẩn mực. Tự do, cá tính nhưng phải có giới hạn.

Đương nhiên, không thể chỉ vì một vài cá nhân mà đánh giá không đúng về cả một cộng đồng rap; nhưng giới trẻ cần có sự chọn lọc khi nghe rap, hát theo rap và chạy theo các trào lưu, xu hướng của rap.

Tin cùng chuyên mục