Chọn lọc dự án được tăng phí BOT

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng phí BOT theo hợp đồng dự án vào thời điểm phù hợp, và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dự án BOT giao thông do doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính, vì ảnh hưởng dịch Covid-19. 
Xe qua làn thu phí tự động tại trạm thu phí ở quận 2 (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG
Xe qua làn thu phí tự động tại trạm thu phí ở quận 2 (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Minh bạch thông tin

Theo Bộ GTVT, từ đầu năm 2020 đến ngày 22-4, có 58/60 dự án BOT giao thông bị giảm doanh thu, trong đó có 17 dự án doanh thu chưa đạt 50% so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Bộ GTVT kiến nghị, cùng với việc cho tăng phí BOT thì còn thực hiện các giải pháp hỗ trợ. Cụ thể là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, không chuyển các DN BOT sang nhóm nợ xấu; giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN các năm 2019 và 2020; miễn, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch bệnh. Đồng thời, hỗ trợ giảm lãi suất vay của các khoản vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. 

Trong bối cảnh hiện tại, tất cả các lĩnh vực đều cần được tạo điều kiện phục hồi. Tăng phí BOT thời điểm này sẽ tác động lớn đến giá cả các mặt hàng, dịch vụ liên quan đến vận chuyển. Đặc biệt, với các DN hoạt động kinh doanh vận tải vốn đã thiệt hại nặng vì dịch Covid-19, nếu bị tăng phí cầu đường sẽ là tăng thêm gánh nặng. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại có cái khó trong quản lý nhà nước là đã ký hợp đồng với DN BOT, nếu không cho tăng phí là vi phạm hợp đồng, khó thu hút đầu tư sau này. Do vậy, vấn đề là cần xử lý thế nào để hài hòa lợi ích các bên, không ảnh hưởng lĩnh vực khác.

BOT là hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, nghĩa là nhà đầu tư bỏ tiền làm dự án để kinh doanh thu hồi vốn và có lợi nhuận, rồi chuyển giao công trình lại cho phía Nhà nước. Bên cạnh những dự án hiệu quả, nhiều dự án có tình trạng lợi dụng chính sách để thu lợi cá nhân và lợi ích nhóm, thiệt hại lại đẩy cho Nhà nước và người dân.  Thời gian qua có nhiều dự án BOT gây bức xúc dư luận, nào là đặt trạm thu phí “nhầm chỗ”, chưa công khai và minh bạch thông tin, không nghiêm túc triển khai thu phí tự động theo quy định, báo sai doanh thu. Có những nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, mức vay quá lớn, rồi đưa cả gốc lẫn lãi vào dự án và phương án hoàn vốn, giờ lo nợ xấu ngân hàng. Chuyện nợ xấu được nêu ra như là điều kiện để giải quyết, gây áp lực với các cơ quan chức năng. 

Dư luận thắc mắc, với dự án BOT thiếu công khai, minh bạch, người sử dụng dịch vụ vẫn chưa thể biết tổng số tiền đã trả được bao nhiêu, khi nào mới hết trả phí qua trạm BOT. Từ năm 2017, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo triển khai thu phí tự động không dừng đối với các dự án BOT giao thông cả nước, tuy nhiên, tiến trình thực hiện rất chậm, không loại trừ một số nhà đầu tư cố tình trì hoãn. 

Chỉ hỗ trợ nhà đầu tư chân chính

Mỗi dự án BOT có những đặc điểm riêng về chủ thể, tình hình kinh doanh, sự tuân thủ pháp luật, nguyên nhân sụt giảm doanh thu, mức độ rủi ro hay thuận lợi hoặc khó khăn cũng khác nhau. Nếu sử dụng biện pháp hành chính can thiệp xử lý chỉ mang tính nhất thời, không hiệu quả lâu dài. Cần đánh giá cụ thể, chọn lọc từng dự án cho tăng phí BOT. Thay vì chú trọng tăng phí với các dự án được cho là sụt giảm doanh thu, trước hết hãy làm rõ nguyên nhân và công khai minh bạch thông tin liên quan đến hợp đồng cùng các khoản thu chi trong dự án BOT. Dự án nào kém hiệu quả, giảm doanh thu bởi lỗi nhà đầu tư quản lý yếu kém, thì phải tự khắc phục. Không nên cho tăng phí các dự án mà cơ quan chức năng đã có kết luận báo sai doanh thu, yêu cầu giảm thời gian thu phí, chưa tổ chức thu phí tự động theo quy định.

Sau khi làm rõ và minh bạch các thông tin, thì tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư tuân thủ pháp luật, kinh doanh chân chính. Với những dự án vốn đã có mức phí cao so với mặt bằng chung để rút ngắn thời gian thu phí, chỉ cho phép điều chỉnh bằng cách cho kéo dài thời gian thu phí và giữ mức phí hiện tại. Với các dự án có mức phí thấp, có thể xem xét cho tăng phí, nhưng chỉ triển khai thực hiện sau thời điểm dịch bệnh và phục hồi kinh tế trở lại bình thường,  mức phí không cao hơn so với mặt bằng chung. 

Cần làm rõ trách nhiệm cho vay hay góp vốn từ các ngân hàng vào dự án BOT có đúng trình tự thủ tục, thế chấp tài sản đảm bảo trả nợ, thẩm định các khoản vay theo quy định. Nếu các khoản vay hợp pháp, sẽ được xem xét để không thiệt hại cho ngân hàng. Trường hợp phát hiện vi phạm, ngân hàng tự chịu trách nhiệm bằng nguồn vốn đã góp và cho vay. Phải mạnh tay với nhà đầu tư chưa áp dụng công nghệ tự động, hãy ngưng thu phí bằng tiền mặt, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để ai cũng có thể theo dõi.

Tin cùng chuyên mục