Chọn con tim hay nghe lý trí


Mỗi mùa thi, thêm một lần người ta chú ý chuyện điểm chuẩn. Tất nhiên sẽ có rất nhiều cách để người trẻ nỗ lực chứ không riêng gì việc học đại học. Nhưng con đường đại học là bệ phóng an toàn và ngắn nhất để người trẻ bước vào ngưỡng cửa cuộc đời với hành trang chuyên môn bài bản.
Chọn con tim hay nghe lý trí

Nếu trước đây, tổ hợp khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) giữ vị trí “hoa hậu”, thì câu chuyện năm nay “ngôi vương” thuộc về tổ hợp khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Không ít người giật mình, khi điểm chuẩn một số ngành khối C ở mức 29,9 điểm, điều này có nghĩa thí sinh gần như phải đạt điểm tuyệt đối ở cả 3 môn thì mới hy vọng đủ điểm vào đại học. 

Trong sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều Facebooker, YouTuber các lĩnh vực truyền thông, báo chí… thu hút sự theo dõi của nhiều bạn trẻ bằng những hình ảnh, video lung linh trong cuộc sống hàng ngày, đến công việc biên tập viên, hay dẫn chương trình ở những sự kiện, phim trường sang trọng. Điều này, ít nhiều khiến việc người trẻ chọn ngành báo chí, truyền thông tăng mạnh. Tuy nhiên, con tim và lý trí cần rạch ròi, nhất là trong việc chọn ngành học. Ngành học có nhiều cơ hội việc làm, hay đang “hot” trên thị trường lao động, cũng chưa chắc đã phù hợp với năng lực của bản thân. Và ngành học bản thân mình thích, liệu đã phù hợp với sở trường mình chưa? 

Mỗi công việc đều có những vui, buồn, hay nhọc nhằn khác nhau. Những hình ảnh người dẫn chương trình lung linh ở sự kiện, hay biên tập viên sang trọng ở bản tin truyền hình… chưa phải là tất cả của hành trình theo đuổi nghề báo. Công việc gắn bó với con chữ, hình ảnh thì sở thích và điểm chuẩn cao ngất đầu vào cũng chưa phải là tất cả, mà nó đòi hòi người trẻ vào nghề phải thực sự có năng khiếu mới có thể theo đuổi lâu dài.

Nghề báo không chỉ chỉn chu vẻ ngoài, trau chuốt hình ảnh, mà từng con chữ, cái hình đều phải thật tỉ mỉ. Đặc thù công việc nghề báo không gò bó người ta ở văn phòng theo giờ hành chính, mà là sự linh hoạt… Những chuyến công tác dài ngày, tin thời sự lúc nửa đêm, hay những bài viết cần nhiều tư liệu khi đọc đến vài ba quyển tham luận chỉ để phục vụ cho bài viết mấy trăm chữ…

Là công việc chân chính, nghề nào cũng đáng trân quý như nhau, người trẻ trước ngưỡng cửa bước vào đời, lắng nghe con tim để biết mình yêu thích điều gì và hãy lý trí phân tích ưu khuyết điểm của mình để lựa chọn ngành học phù hợp. Đừng chạy theo số đông, cũng đừng choáng ngợp trước điểm chuẩn đầu vào và càng không chọn nghề chỉ vì những hình ảnh lung linh trên các nền tảng mạng xã hội. Thành công là chọn một ngành học, một công việc phù hợp với năng lực bản thân.

Tin cùng chuyên mục