Cho vay tiêu dùng có thể sẽ giảm tốc

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính (CTTC).

Dự thảo chia cho vay tiêu cùng của các CTTC thành 2 loại: cho vay giải ngân gián tiếp và trực tiếp. Cho vay giải ngân gián tiếp chủ yếu gồm cho vay mua xe 2 bánh và cho vay mua hàng điện máy gia dụng. Cho vay giải ngân trực tiếp là cho vay tiền mặt dành cho cá nhân phục vụ một số mục đích tiêu dùng khác.

Đối với các khoản cho vay gián tiếp, các CTTC phải giải ngân tiền trực tiếp cho bên bán hàng và không giải ngân cho người vay.

Đối với các khoản cho vay tiền mặt, CTTC có thể giải ngân trực tiếp cho người vay. Tuy nhiên, cho vay tiền mặt chỉ có thể thực hiện với những khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt và không có nợ xấu theo thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) tại thời điểm ký hợp đồng cho vay và giải ngân.

Điều này có nghĩa là các CTTC không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng mới, không có thông tin tín dụng. Điều quan trọng nữa là dự thảo đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt trong dư nợ cho vay của các CTTC tối đa là 30%.

Dự thảo quy định, việc thông báo nhắc nợ bị cấm trong khung thời gian từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng. Ngoài ra, CTTC hoặc đại lý thu nợ thuê không được phép sử dụng các biện pháp không phù hợp như đe dọa khách hàng hay yêu cầu tổ chức và/hoặc cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ phải trả nợ thay.

Năm 2018 là năm đầu tiên NHNN đặt hạn mức tín dụng cho các CTTC giống như với các ngân hàng thương mại truyền thống sau nhiều năm ngành này tăng trưởng bùng nổ.

Trong năm 2018, hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN dành cho 3 CTTC lớn nhất (nắm 88% thị phần của các CTTC) là khoảng 26%; trong đó FE Credit là 20%; HD Saison và Home Credit là khoảng 35%. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), tăng trưởng tín dụng thực tế tại 3 CTTC lớn chỉ là 16,68%.

rong năm 2019, hạn mức tín dụng tạm thời đề ra cho 3 công ty trên thậm chí có thể chỉ là 12%. Cũng theo HSC, do chưa có thông tin rõ ràng về nội dung cuối cùng cũng như thời điểm ban hành dự thảo, nên hiện còn quá sớm để định lượng ảnh hưởng đối với toàn ngành cho vay tiêu dùng.

“Tuy nhiên, có vẻ như chắc chắn ngành cho vay tiêu dùng của Việt Nam sẽ chứng kiến sự giảm tốc nhằm nâng cao chất lượng tài sản trước khi có thể tăng tốc trở lại”, HSC nhận định.

Tin cùng chuyên mục