Chợ tự phát vây khu công nghiệp

Tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… cùng với sự xuất hiện các khu công nghiệp (KCN) là nhiều chợ tự phát mọc lên, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Các chợ tự phát chiếm dụng lòng lề đường, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan hè phố và vệ sinh môi trường.

Đường biến thành chợ

Công ty Pouchen (phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có đến 22.000 công nhân từ nhiều nơi đến làm việc và ở trọ quanh khu vực phường Bửu Hòa và phường Hóa An. Từ 14 - 18 giờ mỗi ngày, đường Nguyễn Thị Tồn (đoạn ngay cổng sau Công ty Pouchen) xuất hiện gần trăm điểm bán hàng với đủ loại thực phẩm, quần áo, giày dép… bày tràn lan trên lòng lề đường, chủ yếu là bán cho công nhân Công ty Pouchen. Cảnh bát nháo này đã diễn ra từ năm 2006 đến nay, ban đầu chỉ vài chục người bán, nay đã tăng lên gấp 10 lần, gây kẹt xe thường xuyên.

Bà Phan Thị Hoa (cư dân ở đây) bức xúc: “Nhiều tiểu thương cứ làm thịt gà, vịt ngay trên lề đường, rồi đổ nước thải, chất thải xuống lòng đường ra cống thoát nước gần đó, cống bị nghẹt bốc mùi hôi thối không chịu nổi”.

Khu vực ngã ba đường Đồng Khởi và đường 768 thuộc xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) tập trung nhiều công ty, nên cũng xuất hiện chợ tự phát và vào giờ tan ca thường gây ùn tắc giao thông, phức tạp nhất là đoạn phía trước cổng Công ty ChangShin.

Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 100 tụ điểm kinh doanh tự phát. Trong đó, TP Biên Hòa có gần 20 điểm do có nhiều KCN, nhà trọ công nhân.

Tại tỉnh Bình Dương cũng có đến 106 chợ tự phát quanh các KCN, trong đó chợ ở khu vực đô thị chiếm 65%, tập trung tại TP Thủ Dầu Một (11 chợ), thị xã Thuận An (25 chợ), Dĩ An (11 chợ), hoạt động chủ yếu vào giờ cao điểm từ 6 - 7 giờ 30 sáng và 17 - 20 giờ tối. Thị xã Thuận An tuy dẹp được 10 chợ tự phát, nhưng cùng thời điểm lại phát sinh thêm 3 chợ tự phát ở đường vào KCN Việt Hương, khu vực đường Thuận Giao 21 và khu dân cư Việt Sing.

Bố trí lại chợ tự phát

Chợ tự phát tồn tại vì giải quyết được nhu cầu mua sắm nhanh của người dân lao động ở các KCN. Giải thích nguyên do chọn mua hàng ở chợ tự phát, chị Nguyễn Thị Bình (công nhân Công ty Yazaky, thị xã Dĩ An) cho rằng: “Các chợ tạm họp dọc đường bán đủ loại hàng hóa, có giá rẻ và mua dễ dàng, chỉ cần ngồi trên xe chọn món hàng cần mua là người bán cân, tính tiền và thanh toán ngay, không phải mất tiền gửi xe như ở chợ truyền thống hay siêu thị. Lâu dần thành quen, công nhân thích mua ở điểm chợ ngay ngã tư, bên lề đường cho nhanh và gọn, chứ ít bận tâm đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Chợ tự phát vây khu công nghiệp ảnh 1 Chợ tự phát gần Công ty Yazaky (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: TIẾN MINH

Chị Nguyễn Thu Minh (công nhân KCN Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: Nhiều người bán hàng ở chợ tự phát nói rằng thực phẩm họ bán đã qua kiểm dịch, nên rất an toàn, nhưng khi hỏi lấy gì để đảm bảo chất lượng, thì họ chỉ cười trừ. Biết vậy, nhưng công nhân ở KCN do phải tăng ca liên tục, hết giờ làm là tạt qua chợ tự phát mua cho nhanh để về còn lo cơm nước cho gia đình”.

Một người bán hàng rau củ quả trên xe lôi cho hay: “Sáng tôi bán từ 5 giờ 30 đến 8 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến 8 giờ, doanh thu mỗi ngày từ 2 - 3 triệu đồng, có lãi hơn 500.000 đồng, nói chung thu nhập cũng ổn”. Do vậy, nhiều người quyết bám trụ, chợ tự phát tồn tại năm này qua năm khác.

Khó dẹp được chợ tự phát, nên để vừa giảm tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng lề đường vừa đáp ứng nhu cầu của người lao động, từ năm 2013, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho các huyện, thị xã, TP được quyết định địa điểm kinh doanh để gia hạn hoạt động các chợ tạm hiện có hoặc bố trí chợ tạm mới.

Còn tỉnh Đồng Nai khuyến khích ban quản lý, chủ đầu tư của các KCN tìm quỹ đất xây dựng siêu thị tiện ích phục vụ công nhân; khuyến khích các công ty lớn xây dựng siêu thị trong công ty để công nhân giảm mua ở chợ lề đường; đồng thời sắp xếp cho người dân có chỗ buôn bán tạm thời, không gây mất an toàn giao thông và đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục