Chợ, trung tâm thương mại vắng khách

Trong khi các hệ thống siêu thị đẩy mạnh bán hàng online để duy trì doanh số thì tại các chợ, trung tâm thương mại (TTTM) sức mua rất ảm đạm. Ngay cả ngành hàng thực phẩm tươi sống cũng rơi vào tình trạng ế ẩm nghiêm trọng.
Cảnh đìu hiu ở chợ An Đông, không bóng dáng người mua. Ảnh: CAO THĂNG
Cảnh đìu hiu ở chợ An Đông, không bóng dáng người mua. Ảnh: CAO THĂNG

Nhìn đâu cũng cảnh chợ chiều

Liên tục trong những ngày gần đây, đi khảo sát tại một số ngôi chợ loại 1 của TP- địa chỉ hàng đầu cho du khách trong nước và nước ngoài khi đến TPHCM, chúng tôi nhận thấy hàng hóa rất dồi dào, phong phú, chất đầy trên các gian hàng. Bên cạnh đó là hình ảnh những người bán hàng luôn mải miết lướt web, nhắn tin hoặc tám chuyện khá rôm rả. Cũng có không ít người ngồi trông gian hàng một cách mệt mỏi đến ngủ gật… Nói cách khác, tình hình chung tại các chợ hiện nay là “người bán đông hơn khách mua”. 

Cụ thể, tại chợ Bến Thành, vốn là ngôi chợ có lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm nhiều nhất tại TP cũng không thoát khỏi tình trạng vắng khách. Chị Ngọc, chủ một gian hàng chuyên kinh doanh mỹ phẩm, cho biết, không chỉ vắng khách đến mua mà ngay cả những người đến chào hàng cũng vắng luôn. Nhìn đâu cũng như cảnh chợ chiều!

Chị Liễu, chủ gian hàng thủ công mỹ nghệ, cho rằng, sức mua tại chợ đã giảm sút từ nhiều năm, nay lại gặp dịch bệnh nên mãi lực giảm sút nghiêm trọng. Theo tính toán của chị Liễu, sức mua từ tháng 2 đến nay đã giảm bình quân khoảng 50% so với tháng trước đó. Để giảm lỗ, nhiều tiểu thương chỉ còn cách cho người phụ bán nghỉ việc, cắt giảm tối đa các chi phí; đồng thời chủ sạp đảm nhận việc ngồi chợ từ sáng sớm cho tới chiều muộn. 

Tại chợ Tân Định, không khí họp chợ cũng chỉ diễn ra khoảng 2 tiếng vào đầu giờ sáng, chủ yếu ở ngành hàng bán thực phẩm tươi sống. Một tiểu thương bán cá cho hay, gần đây lượng khách hàng thường xuyên đã bị giảm mạnh nhưng vẫn còn những người nội trợ lớn tuổi trung thành với việc hàng ngày xách giỏ ra chợ nên cũng an ủi phần nào.

Chợ An Đông và chợ Bình Tây là 2 trong số những chợ bán sỉ đại đa số các mặt hàng thiết yếu như quần áo, giày dép, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ… cho các chợ bán lẻ, cửa hàng tại TP cũng như đến nhiều tỉnh, thành của cả nước nhưng tình hình cũng không khá hơn.

“Dịch bệnh đã khiến nhiều gia đình quay về chăm lo cho bữa cơm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe chứ không thiết tha mua sắm đồ dùng, quần áo mới. Ngay cả hàng thời trang được nhập về từ Hồng Công, Đài Loan cũng bị gián đoạn. Nói chung, dịch bệnh đã khiến việc kinh doanh nhiều ngành hàng bị ngưng trệ không chỉ ở thị trường TPHCM mà tại nhiều nơi khác cũng vậy. Tôi và nhiều tiểu thương khác đang phải gồng mình để chờ cho qua cơn bĩ cực!”, chị Hoa, tiểu thương chuyên bán hàng may mặc chợ An Đông, chia sẻ. 

Không chỉ các chợ, ngay cả các TTTM của TPHCM cũng vắng khách. Biểu hiện rõ nhất là tại Vincom Đồng Khởi, Vincom Thảo Điền, Giga Mall… lượng khách đến tham quan, mua sắm, ăn uống và vui chơi giải trí cũng bị giảm đáng kể. Nhiều nhà hàng tại các TTTM buộc phải cắt bớt số lượng nhân viên phục vụ để giảm lỗ, đồng thời đa dạng hóa các hình thức bán hàng nhằm duy trì doanh thu. 

Tháo gỡ khó khăn cho tiểu thương, DN

Vừa qua, tại buổi làm với đoàn công tác của UBND TPHCM (do Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến làm trưởng đoàn) về phê duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Sở Công thương TPHCM, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Huỳnh Trang thông tin, sau tết, tình hình thị trường có nhiều biến động, hết sức khó khăn.

Thứ nhất là các mặt hàng nông sản của các tỉnh không tiêu thụ được qua cửa khẩu Trung Quốc và TP đã hỗ trợ tiêu thụ giải cứu các mặt hàng như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, ớt. Cho nên, TP phải tập trung hỗ trợ trong thời điểm người dân TP rất hạn chế trong việc tiêu dùng, mua sắm ở các chợ.

Thứ hai, đối với thị trường TP, một số đơn vị trong hệ thống phân phối, những ngày đầu xảy ra dịch Covid-19, có hiện tượng thu gom các mặt hàng mì gói, gạo, bún khô, các sản phẩm chế biến sẵn. Hiện sở đã làm việc với Hiệp hội Lương thực thực phẩm và các đơn vị có liên quan, gồm các DN sản xuất, hệ thống phân phối, chợ để đảm bảo nguồn cung. Sở cũng phát động việc giảm giá, khuyến mãi các mặt hàng lương thực - thực phẩm 10% - 15% trong suốt tháng 2 để người dân biết hàng hóa TP dồi dào, không thiếu hàng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh.

Mặt khác, trong tháng 3, Sở Công thương phối hợp với Sở Du lịch TP triển khai chương trình kích cầu du lịch cho các TTTM, các DN có chương trình giảm giá, khuyến mãi phục vụ khách du lịch khi bắt đầu mở cửa trở lại, khuyến khích người dân trong nước và nước ngoài đi du lịch. 

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở Công thương có văn bản chỉ đạo các chợ truyền thống, chợ đầu mối, TTTM, siêu thị, hết sức lưu ý theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh, không được chủ quan. Đồng thời, sở có báo cáo gấp cho UBND TP về chính sách hỗ trợ DN như giãn thuế, giảm thuế cho hộ cá thể, hỗ trợ vốn… (trên cơ sở phải đánh giá được những con số thiệt hại) để UBND TP có văn bản kiến nghị Chính phủ về vấn đề này.

“Hiện nay, TP đang phải đối phó với dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu sụt giảm nên việc tăng cường kết nối ngân hàng và DN vừa và nhỏ phải được đẩy mạnh để hỗ trợ cho DN sản xuất kinh doanh”, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh. 

Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, ngành công thương cần tăng cường liên kết các tỉnh, TP để làm phong phú nguồn cung về hàng hóa, ẩm thực cho thị trường TP. Mặt khác, chỉ đạo quản lý thị trường kiên quyết đấu tranh đối với các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá hàng hóa nhằm trục lợi. Phải tạo sự ổn định chung về hàng hóa và giá cả của TPHCM cũng như toàn khu vực.

Tiểu thương xin xét miễn, giảm thuế

Để giảm thiểu khó khăn, tạo điều kiện cho các tiểu thương duy trì kinh doanh, mới đây, hàng ngàn hộ kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5) đã ký đơn xin giảm thuế vì doanh thu sụt giảm trầm trọng do dịch Covid-19.

 Theo lý giải của các tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông, do dịch Covid-19, người dân không dám tập trung vào những nơi đông người, không đến chợ mua hàng, nên từ ngày mở cửa bán lại sau Tết Nguyên đán đến nay, phần lớn các quầy không bán được hàng, mãi lực tại chợ gần như bằng 0. Do đó, tiểu thương cũng đã đồng loạt làm đơn gửi đến UBND quận 5, Chi cục Thuế, Công an quận 5, Ban Quản lý chợ An Đông... với nguyện vọng xin được giảm 50% thuế hàng tháng trong thời gian 3 - 6 tháng (bắt đầu tính từ tháng 2-2020) cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ.

Tin cùng chuyên mục