Chờ đợi làn sóng âm nhạc văn minh

Sau một thời gian dài, nhiều bài hát về giới trẻ và do chính người trẻ viết bị cộng đồng lên án vì ca từ dễ dãi, dung tục và phản giáo dục, gần đây bắt đầu xuất hiện những ca khúc trẻ với phần lời phản ánh thực tế cuộc sống khá sinh động. 
Lộn Xộn Band trình bày ca khúc "Người yêu tôi không có gì để mặc" trong chương trình Bài hát hay nhất. Ảnh: CATS
Lộn Xộn Band trình bày ca khúc "Người yêu tôi không có gì để mặc" trong chương trình Bài hát hay nhất. Ảnh: CATS
Không ít bài hát đã đề cập thẳng vào những bất ổn của lối sống người trẻ, từ chuyện ăn mặc, sinh hoạt, nói năng đến yêu đương… Và cũng thật bất ngờ khi những bài hát trên lại nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của cộng đồng trẻ.
Có lẽ, nhiều người không quên được ca khúc nổi đình nổi đám thời gian qua, thu hút cả triệu lượt xem trên các trang âm nhạc trực tuyến với phần ca từ dung tục và phản cảm, cổ vũ người trẻ dùng một loại ma túy...
Những bài hát trên đến nay vẫn có chỗ đứng trong tâm trí một bộ phận người trẻ. Gần đây, một số người trẻ sáng tác nhạc lại chọn một cách sáng tác mới để tiếp cận chính người trẻ.
Đó là những sáng tác mang hơi thở cuộc sống đương đại - những bất ổn trong suy nghĩ; lối sống tiêu cực như thích hưởng thụ, thích hào nhoáng; bạo lực gia đình; nạn ấu dâm… Trình làng mới đây nhất là bài hát Người yêu tôi không có gì để mặc, của một nhóm nhạc trẻ có tên Lộn xộn. Dù phần âm nhạc còn có đôi chút… lộn xộn, nhưng ca từ của bài hát đã phản ánh một trong những thói xấu của người trẻ hiện đại, đó là thói đua đòi: “Người yêu tôi không có gì để mặc, dẫu một bao tải quần áo đầy trong kho…”. Với cách tiếp cận vấn đề như trên, nhiều bạn trẻ đã rất hồ hởi với Người yêu tôi không có gì để mặc, bởi đơn giản là bắt gặp được người thân quen của mình trong đó.
Hay trong sáng tác Ông kẹ của Trương Phước Lộc, cũng đã đề cập đến một vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay - nạn ấu dâm, với phần ca từ, khá “chất”: “Mẹ ơi... Cứu con với/…Một hai ba giây đó thôi/ Là ông kẹ bắt con rồi/ Mẹ ơi, đừng lo miếng ăn/ Đừng lo cái chăn/ Hãy đem con về nhà”.
Tác giả trẻ Lê Thiện Hiếu, từng nổi đình đám 2 năm trước với bài hát Ông bà anh, cũng đã có những tâm sự về tình yêu, đậm hơi thở cuộc sống trong Người ta và anh: “Người ta chạy theo tình tiền, còn anh chạy theo tình duyên…”. 
Thực ra, từ những năm 1980, những ca khúc phản ánh xã hội đã bắt đầu nở rộ và có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, với nhóm Du ca đồng nội, qua những ca khúc như Rock đồng hồ, Sói con hoang vu. Sau đó là những ca khúc đậm hơi thở cuộc sống đương đại, khiến người nghe bứt rứt và suy ngẫm với Đứa bé (Minh Khang), Lũ đêm (Dương Cầm)…
Với gu thưởng thức của người trẻ hiện nay, âm nhạc không chỉ đơn thuần để giải trí mà còn đảm nhiệm trọng trách phản ánh hơi thở cuộc sống đương đại, cũng như những loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Chính vì thế, chỉ mong sao, những ca khúc mới toanh, phản ánh hơi thở cuộc sống của người trẻ và do chính người trẻ viết, không chỉ là những cơn gió thoảng qua, mà sẽ trở thành một làn sóng âm nhạc văn minh, tồn tại vững bền trong tâm trí của người trẻ.

Tin cùng chuyên mục