Cho con ký ức tuổi thơ

Một tấm vé trở về tuổi thơ là điều bất kỳ người trưởng thành nào cũng mơ ước. Nhưng tuổi thơ đã qua chỉ còn là ký ức. Và sẽ thật tuyệt nếu mỗi ngày, ba mẹ đều ươm mầm, gieo cho con những điều ngọt ngào ấy, làm hành trang bước vào đời sau này.

1. Kiểm tra lại “ông tiến sĩ giấy” vừa nhận được, chị Kim Anh (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) còn cẩn thận vuốt lại từng mảnh giấy cho thật phẳng, cắm lại chiếc lọng ngay ngắn. Chị gật gù, tỏ vẻ thích thú với món đồ chơi dân gian rất đặc biệt, gắn liền với ký ức tuổi thơ của mình. 

Đây là món quà trung thu chị nhờ bạn mua từ phố cổ Hà Nội gửi vào sớm. Trong số những món đồ chuẩn bị trung thu cho cậu con trai 3 tuổi không thể thiếu chiếc đèn ông sao 5 cánh do chính tay bé chọn, một chiếc đèn giấy nhỏ có thể gắn nến để thắp trong đêm rằm. Chị cũng lên kế hoạch sẽ cùng con tự tay làm bánh nướng, bánh dẻo và mua thêm vài loại trái cây bày biện mâm cỗ cho mùa trung thu năm nay. Năm ngoái, chị cũng ấp ủ kế hoạch tương tự nhưng cuối cùng đổ bể vì thời điểm đó, cả thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

“Với những dịp đặc biệt như trung thu, tôi luôn muốn có mâm cỗ thật tươm tất cho con. Thông thường, khi chuẩn bị món đồ nào, tôi đều giải thích ý nghĩa để con hiểu. Có thể với nhiều người, chuyện đó khá cầu kỳ, mất thời gian. Nhưng tôi lại quan niệm, đó là cách mình trao cho con những ký ức đẹp. Ngày bé, tôi cũng may mắn trải qua những điều tuyệt vời ấy. Và tôi muốn con  mình sẽ lớn lên với những kỷ niệm không chỉ được ghi lại bởi những tấm hình”, chị chia sẻ.

Cho con ký ức tuổi thơ ảnh 1 Những chuyến du lịch mang đến sự gắn kết gia đình và trải nghiệm cho các con

2. Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Trường (ngụ TP Thủ Đức) lại vừa cùng nhau trải qua kỳ nghỉ hè kéo dài hơn 1 tuần với rất nhiều kỷ niệm đẹp. Do có xe hơi riêng, cả nhà quyết định tự lái về quê nội ở Hội An (Quảng Nam). “Thay vì đi máy bay rất nhanh, tiết kiệm thời gian, đây là lần đầu tiên cả nhà quyết định đi xe hơi. Vì thời gian nghỉ phép khá dài nên chúng tôi không vội, tinh thần vừa đi vừa nghỉ dọc đường kết hợp du lịch, trải nghiệm cho các con”, anh chia sẻ. 

Kế hoạch được cả nhà vạch ra là trên đường về quê sẽ ghé Nha Trang, Phú Yên. Trong khi đó, chiều ngược lại khi về TPHCM, Quy Nhơn (Bình Định) và vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) được lựa chọn làm điểm dừng chân. Không chỉ được gần gũi với ông bà, người thân, khám phá thiên nhiên, đây cũng là dịp cả nhà được trò chuyện cùng nhau nhiều hơn. Chị Mỹ Hạnh, vợ anh, bất ngờ khi nghe cô con gái lớn tâm sự rất nhiều điều mà khi sống ở thành phố, mẹ con ít có cơ hội thủ thỉ với nhau.

“Mấy ngày rong ruổi trên xe, hai mẹ con nói được đủ thứ chuyện. Thực ra, khi ở Sài Gòn, tôi ít có thời gian nói chuyện, mỗi ngày con cái đi học chính khóa, học thêm về đến nhà là ngủ. Cuối tuần tranh thủ ngủ bù cho đủ giấc, đi ăn bù khoảng thời gian bận rộn trong tuần. Tôi thấy sau chuyến này, con trưởng thành lên rất nhiều”, chị tâm sự. 

3. Hẳn nhiều người đều biết đến hay đã đọc truyện ngắn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chính ông viết ở mặt sau cuốn sách: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”.

Câu chuyện về những con Tủn, con Tí sún, thằng Hải cò và thằng cu Mùi gợi lên rất nhiều ký ức đẹp, khiến không ít độc giả nhận ra mình đâu đó từ những câu chuyện trong trẻo ấy. Sẽ không ai quay ngược được ký ức nhưng tấm vé đi tuổi thơ ấy có thể được tìm thấy khi chính những ông bố bà mẹ làm điều đó cho con cái của mình.

Với trẻ em sinh ra ở nông thôn, tuổi thơ luôn ngập tràn ký ức với rất nhiều câu chuyện đáng nhớ. Nhưng, sẽ là thiệt thòi hơn với trẻ em sinh ra ở thành phố khi vây quanh chúng luôn là những bức tường bê tông, thiết bị điện tử thông minh với đầy cám dỗ. Thời gian biểu dành cho việc học, từ chính khóa đến ngoại khóa, chật kín khiến từng bữa ăn của những đứa trẻ cũng trở nên vội vàng. 

Ba mẹ không thể cho con toàn bộ tuổi thơ giống như những gì mình đã trải qua. Nhưng, ba mẹ có thể trao cho con những kỷ niệm để nó dần dần thành những ký ức đẹp, làm hành trang cho con bước vào đời. Đó là lý do, mỗi dịp hè về nhiều gia đình cho con về quê để trải nghiệm cuộc sống nông thôn, gắn kết bền chặt tình cảm với ông bà, người thân. Về quê, cũng là cách để con thêm hiểu nguồn cội và trân quý hơn. Thời đại công nghệ, những kỷ niệm cũng dễ dàng được lưu giữ thông qua những bức hình, video ghi lại những dấu mốc trong cuộc đời con…  

Có lẽ, không có gì tuyệt vời hơn khi ba mẹ chính là người đồng hành cùng con cho đến khi bước vào tuổi trưởng thành. Những miền ký ức đẹp ấy sẽ gieo vào con tính thiện, sự tử tế và cả lòng biết ơn, bởi đó chính là món quà giá trị hơn hết thảy những gì ba mẹ có thể trao cho con.

Nhiều người tạo thói quen đọc sách cho con mỗi ngày, đặc biệt trước khi đi ngủ; cùng con vừa học, vừa chơi; giúp bé làm quen với các công việc nhà... Và, không thể thiếu trong đó là một góc nhỏ riêng cho con với những món đồ gắn liền với quá trình trưởng thành: đây là bộ quần áo, đôi giày lần đầu con mặc khi mới chào đời; cuốn nhật ký ba mẹ viết dành tặng năm đầu đời của con; một vài cuốn tập, những chiếc giấy khen…

Tin cùng chuyên mục