Chợ chiều sân khấu kịch xã hội hóa

Hoạt động của hầu hết các sân khấu kịch xã hội hóa (XHH) gần như chựng lại, nhiều sân khấu xuống sức, nhiều suất diễn buộc phải trả vé, không ít sân khấu lặng lẽ đóng cửa.
 Một cảnh trong vở Sông dài của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh
Một cảnh trong vở Sông dài của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh
Ngay thời điểm này, hoạt động của hầu hết các sân khấu kịch xã hội hóa (XHH) gần như chựng lại, nhiều sân khấu xuống sức, nhiều suất diễn buộc phải trả vé, không ít sân khấu lặng lẽ đóng cửa. Thực tế, tại TPHCM - nơi từng là điểm sáng nổi bật so với cả nước về hoạt động phát triển mô hình sân khấu XHH thì nay chỉ còn vài ba sân khấu ngày đêm mệt mỏi chống chọi với thời thế. Các ông bà “bầu” vất vả tìm kiếm kịch bản, xây dựng tác phẩm, duy trì tổ chức để sàn diễn sáng đèn. Sau thời hoàng kim, chưa bao giờ tình hình hoạt động của các sân khấu XHH lại rơi vào cảnh chợ chiều đến thế.
Tính nghệ thuật giảm, giải trí tăng
Để duy trì hoạt động sáng đèn của sân khấu XHH, mỗi ngày, các ông - bà “bầu” đau đầu tính bài toán chi phí: thuê mặt bằng, điện, nước, diễn viên, tác giả, đạo diễn, thiết kế, hậu đài, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ… Chi phí đầu ra thì nhiều vô số, nhưng đầu vào - tiền bán vé - thu lại chẳng được bao nhiêu. Bài toán bù lỗ và bù lỗ gần như có mặt ở hầu hết các sân khấu kịch đang hoạt động hiện nay. 
Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến các ông bà “bầu” mỗi khi bắt tay dàn dựng kịch bản mới hay tái dựng kịch bản cũ, đều phải gắn vào các vở diễn tiêu chí “xu hướng giải trí”, “nhu cầu thưởng thức” của khán giả - một lượng công chúng thích xem kịch không còn đông như trước. Tuy nhiên, cũng từ đây, nghệ thuật, tính thẩm mỹ,  định hướng cho công chúng xem kịch cứ giảm dần theo thời gian. Ngược lại, tính giải trí đơn thuần: ngôn ngữ đời thường, xu thế nói tục, hài nhảm, trào lưu giả gái, kịch giới tính, kinh dị, ma quái… lại được thời, khiến nhiều kịch bản được dàn dựng mới nhưng kém dần về chất lượng, ý nghĩa, giá trị nghệ thuật.
Chợ chiều sân khấu kịch xã hội hóa ảnh 1 Một cảnh trong vở Sông dài của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh
NSND Trần Ngọc Giàu, thành viên Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TT TPHCM, nói: “Khi phúc khảo các vở diễn, nếu có góp ý thì hội đồng cũng chỉ góp ý nhẹ nhàng với ê kíp thực hiện vở diễn về cách xử lý trong dàn dựng, trình diễn kịch bản, để khi tác phẩm công diễn được tốt hơn. Thực trạng hiện nay, chất lượng và giá trị nghệ thuật của các vở diễn dần ít được quan tâm. Không ít sân khấu XHH đang lao vào con đường xây dựng những kịch bản về giới tính, trai giả gái… để đáp ứng cho một xu hướng giải trí. Trên sân khấu, ngôn ngữ đường phố xuất hiện dày đặc trong nhiều kịch bản. Trong khi đó, với nghệ thuật sân khấu, người diễn viên, nghệ sĩ khi trình diễn các nhân vật, thường cố gắng bỏ đi chữ “mày - tao”, trong giao tiếp đời sống, chữ “mày - tao” mang tính thân thiện, tuy nhiên, đến độ tuổi nào đó thì con người tự động cũng bỏ đi. Đó chính là cách ứng xử văn hóa. Văn hóa hình thành trong đời sống và những thứ thiếu văn hóa kiểu như thế thường dần làm cho con người không còn tốt đẹp trong giao tiếp. Thế nhưng, sân khấu hiện nay lại sử dụng khá nhiều”.
Làm nghề đơn độc 
Nhiều năm qua, trong các cuộc họp bàn, hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ giữa các ông bà “bầu” sân khấu XHH với các cơ quan quản lý văn hóa, Sở VH-TT TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM…, ông bà “bầu” các sân khấu kịch đã bày tỏ rất nhiều nỗi niềm, tình cảm, tâm huyết dành cho nghề, cho hoạt động tổ chức và biểu diễn loại hình nghệ thuật sân khấu kịch nói tại TPHCM. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự giúp đỡ thiết thực, cụ thể từ các ban ngành quản lý văn hóa vẫn là một khoảng trống vắng vô định.
NSƯT Mỹ Uyên tâm tư: “Trong giai đoạn này, các sân khấu XHH buộc phải chiều theo thị hiếu, nhu cầu giải trí của khán giả, để giữ chân khán giả đến với sân khấu, giúp sân khấu duy trì hoạt động và sáng đèn thường xuyên. Với nhiều khó khăn bủa vây hoạt động tổ chức biểu diễn, người quản lý các sân khấu đang cố gắng cầm cự để được làm nghề. Trong đó, điều cốt lõi nhất với các sân khấu XHH vẫn là vấn đề đi thuê mặt bằng để hoạt động, không có nhà riêng, phải cố chống đỡ sân khấu cho qua ngày tháng. Nhưng đến một lúc nào đó, không thể khác hơn, các anh chị sẽ kiệt sức, khi đó các anh chị sẽ buông tay, mô hình sân khấu XHH sẽ suy sụp và dần mai một”
Trong đó, một trong những khó khăn lớn của các sân khấu XHH chính là việc phải thuê mướn địa điểm biểu diễn, dù địa điểm thuê mướn không phải là các sân khấu chuyên nghiệp, hầu hết chỉ là khán phòng, hội trường của các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà thiếu nhi các quận nội thành, phục vụ chủ yếu cho hội họp. Chưa kể, trong tình hình chung, các sân khấu đang vướng phải nhiều mối lo: Lượng khán giả giảm dần hàng năm, khó khăn trong việc tìm kiếm các kịch bản chất lượng, nhiều diễn viên sân khấu mải mê chạy theo “sô” phim, tham gia game show truyền hình để vừa có tiếng, vừa có tiền, dần rời xa và quay lưng với sàn diễn… Trong khi đó, lực lượng diễn viên trẻ, mới, được đào tạo từ các trường sân khấu nghệ thuật chính quy, từ các “lò” đào tạo tư nhân, vẫn chưa đủ trình độ, tài năng và bản lĩnh làm chủ sân khấu, chưa phải là cái tên “đủ sức nặng” thu hút, để khán giả đến với các đêm diễn. Vậy là sự sa sút về chất lượng của không ít sân khấu XHH diễn ra theo đúng quy luật, việc dàn dựng các vở mới thiếu hụt một đội ngũ, diễn viên có thực tài đã kéo giảm về chất lượng và sức hút đối với khán giả thích xem kịch nói.
Nỗi lòng “đơn độc”, “sân khấu XHH như là đứa con rơi của lĩnh vực sân khấu”… thường được các ông bà “bầu” thổ lộ khi được hỏi về tình hình hoạt động và nỗ lực duy trì sáng đèn sân khấu. Có những giai đoạn, thời điểm, nhiều ông bà “bầu” tâm huyết với nghề đã muốn buông tay, nhưng sau đó lại cố gồng gánh, vất vả vượt qua các chướng ngại để sống chết với nghề. Đạo diễn Ái Như nhiều lần rơi nước mắt khi nhắc đến những vất vả, khủng hoảng về tinh thần trong việc cùng NSƯT Thành Hội gồng mình lèo lái con tàu nghệ thuật - sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Có những lúc chị muốn buông xuôi, bỏ mặc, nhưng vì tình yêu nghệ thuật, chất nghệ sĩ đã là máu thịt, cùng với sự ủng hộ hết lòng của gia đình, người thân, tình cảm của khán giả dành cho sân khấu và cho hai nghệ sĩ trụ cột của sàn diễn Hoàng Thái Thanh, đã giúp chị vượt qua bao sóng gió của nghề, duy trì hoạt động của sân khấu mang phong cách rất đặc trưng - kịch tâm lý xã hội.   
Nhìn vào hoạt động của các sân khấu kịch XHH hiện nay sẽ thấy ngay một thực tế là các sân khấu sáng đèn thường xuyên hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Với sân khấu Idecaf, hầu như các suất đều phải bù lỗ, ngoại trừ một vài vở diễn ăn khách là những vở diễn mang tính giải trí cao, được dàn dựng theo nhu cầu giải trí của số đông khán giả. Còn với những vở chính kịch, đạt chất lượng tốt về tính thẩm mỹ, nghệ thuật, ý nghĩa xã hội, lại kén khán giả vô cùng. Với ê kíp đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên, các vở được đầu tư dàn dựng với ước lượng sẽ chỉ diễn được chừng 10 suất là tạm ngưng thì đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên không mặn mà lăn xả vào làm. Kinh tế vẫn luôn là vấn đề chính quyết định mọi hoạt động của sân khấu XHH hiện nay”.

Tin cùng chuyên mục