Chính sách “tổng lực” phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Ngày 20-5, Đại học Kinh tế - Luật cùng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19”. Hội thảo tập trung vào 2 chủ đề: lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch; khung pháp lý nào để Việt Nam ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) hiệu quả - kinh nghiệm thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19”
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19”

Thêm nhiều hỗ trợ trực tiếp

Khai mạc hội nghị, TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng dịch Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế thế giới và việc xử lý khủng hoảng lần này sẽ không giống như những lần trước, bởi phải cân đối giữa bảo vệ sức khỏe người dân và tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chính sách cũng sẽ thay đổi, không chỉ hỗ trợ ngắn hạn mà phải tính trung hạn, dài hạn. Dù Chính phủ đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa để hỗ trợ kinh tế với quy mô gói hỗ trợ tương đương 4,3% GDP nhưng theo TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, gói kích thích hiện nay của Việt Nam có tác động giới hạn đối với doanh nghiệp (DN) đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính (vì các chính sách chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của DN) chứ chưa có chính sách hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào cho DN. 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận: “DN lỗ thì đâu có nộp thuế, như vậy chính sách giảm, giãn thuế không có tác dụng trực tiếp tới DN khó khăn”. Do vậy, theo NHNN, chính sách tạo dòng tiền vào cho DN quan trọng và mang lại hiệu quả tốt hơn. Nói cách khác, phải bơm tiền thật cho DN mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, cần tổng hòa các giải pháp, xây dựng những chính sách mới, không thể áp dụng các chính sách như những lần khủng hoảng kinh tế trước đây. Theo đó, cần tăng chi tiêu, kích tiêu dùng và đầu tư; thực hiện chính sách tài khóa ngắn hạn cho hạch toán chi phí lương để DN không sa thải người lao động…

Xác định ngành ưu tiên hỗ trợ

Các chuyên gia cho rằng, thay vì chỉ theo đuổi mục tiêu chung của tăng trưởng tín dụng cần đặt ra mục tiêu hỗ trợ các ngành ưu tiên như công nghiệp chế biến - chế tạo xuất khẩu, thương mại, thủy sản, nông nghiệp… Việc xác định ngành ưu tiên hỗ trợ nên dựa trên ít nhất 2 yếu tố là tốc độ phục hồi và mức độ ổn định của đầu ra sản phẩm. Những DN hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế và từ đó tác động lan tỏa để các DN khác phục hồi. Như vậy, chính sách cần có sự tập trung theo nhóm ngành chứ không nên dàn trải. 

Bên cạnh những chính sách ngắn hạn, trực tiếp, cần chính sách trung hạn, ổn định. Chẳng hạn, bên cạnh việc chi 62.000 tỷ đồng hỗ trợ giải quyết khó khăn do dịch bệnh cần có nhiều chính sách tiền tệ khác để hỗ trợ DN tiếp cận được nguồn vốn, hỗ trợ DN khó khăn không trả được nợ. Các chuyên gia cũng đề nghị Bộ KH-ĐT nhanh chóng giải ngân khối tiền đầu tư công 700.000 tỷ đồng trong năm 2020. Đề nghị cơ quan thuế cho phép DN được hạch toán lỗ ngược về những năm trước. Việc này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế, cho biết sẽ ghi nhận và đề xuất vào dự thảo luật sửa đổi sắp tới.

Hầu hết DN tham gia hội thảo đều lên tiếng về vấn đề khó tiếp cận vốn và gánh nặng lãi vay khi lãi suất vay hiện khá cao trong bối cảnh dịch bệnh, kinh doanh khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ tín dụng NHNN, cho biết, từ đầu năm đến nay NHNN đã đề nghị các ngân hàng thương mại giảm phí cho khách hàng, giảm và giãn lãi vay cho DN. Tuy nhiên, quá trình triển khai có một số vướng mắc, nhưng vướng đến đâu gỡ đến đó. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định sẽ điều hành theo hướng lãi suất giảm, đồng thời giữ ổn định tỷ giá bằng các công cụ dự trữ bắt buộc. Cố gắng không để xảy ra tình trạng găm giữ ngoại tệ và nhà nước cũng không bảo lãnh ngoại tệ cho các dự án đầu tư như trước.

Tin cùng chuyên mục