Chính sách phát triển đối với Khu kinh tế Vân Phong cần chặt chẽ

ĐBQH cho rằng Khánh Hòa rất xứng đáng để có cơ chế đặc thù, thậm chí xứng đáng hơn các địa phương khác, vì Khánh Hòa đặc thù vượt trội là có huyện đảo Trường Sa, có cảng Cam Ranh thuộc vịnh Cam Ranh - một cảng biển nước sâu, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước. 
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội: Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội: Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 10-6, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Đa số các ĐBQH nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Khánh Hòa rất xứng đáng để có cơ chế đặc thù, thậm chí xứng đáng hơn các địa phương khác, vì Khánh Hòa đặc thù vượt trội là có huyện đảo Trường Sa, có cảng Cam Ranh thuộc vịnh Cam Ranh - một cảng biển nước sâu, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước. 

Tuy nhiên, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, Khánh Hòa cần có sơ kết, tổng kết cơ chế, chính sách đặc thù của 8 địa phương trước đó để cơ chế đặc thù của Khánh Hòa rõ ràng hơn. Hiện các cụm chính sách còn chưa tường minh, do đó Chính phủ và cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu thêm, cụ thể là minh định cơ chế đặc thù, nhằm thiết kế được các chính sách đặc thù cho Khánh Hòa trên ba phương diện: cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính và phân cấp, phân quyền. 

ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết mới chỉ thấy bóng dáng của đầu tư và tài chính. Điều quan trọng là phải tạo cho Khánh Hòa có năng lực pháp lý của chính quyền để tự định đoạt được cơ chế thu hút đầu tư. Do đó, đề nghị phải rà soát lại, chỉnh sửa Nghị quyết theo hướng trao cho Khánh Hòa quyền được quyết định chủ trương đầu tư để thu hút được công nghệ mới.

Nghị quyết Bộ Chính trị cũng đã đặt ra mục tiêu từ nay đến 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và trở thành cực tăng trưởng miền Trung, Tây Nguyên, tức là một địa điểm "kích nổ" cho sự phát triển lan truyền miền Trung và Tây Nguyên. 

“Như vậy đầu tư công phải tăng lên và cơ chế đặc thù chính là Khánh Hòa được quyền tự quyết định đầu tư, tự quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng năng động hơn; quyền được tự tổ chức bộ máy, phù hợp với tiêu chí quản lý của Luật tổ chức chính quyền địa phương”, ĐB Lê Thanh Vân nói.

Chính sách phát triển đối với Khu kinh tế Vân Phong cần chặt chẽ ảnh 1 ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cũng bày tỏ quan điểm, xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ chính trị không chỉ riêng của Khánh Hòa mà là của cả nước. Đặc biệt, nơi đây có huyện đảo Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, nơi mà nhân dân cả nước luôn hướng đến.

Tuy nhiên, cũng như ý kiến một số ĐB khác, ĐB Nguyễn Quốc Hận đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong tổ chức thực hiện chính sách về nuôi trồng thủy sản trên biển; nghiêm cấm việc chuyển nhượng hoặc cho người nước ngoài thuê lại.

Cơ chế để phát triển Khu kinh tế Vân Phong được nhiều ĐB quan tâm. Theo ĐB Hà Quốc Trị (Khánh Hòa), cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại Khu kinh tế Vân Phong, trong đó có chủ trương thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất trước khi có thông báo thu hồi đất. Đồng thời với đó là trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.

Khu vực Bắc Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong là một trong ba địa điểm trước đây được lựa chọn để thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Vì vậy, các chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong sẽ tạo sức đột phá, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong.

“Nhưng trong quá trình triển khai cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đề cao trách nhiệm quản lý Nhà nước tại địa phương và phù hợp với năng lực quản lý của địa phương, bảo đảm tính minh bạch”, ĐB Hà Quốc Trị phát biểu.

ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đặc biệt đề nghị hết sức cân nhắc việc ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Khánh Hòa. Thay vào đó, việc này nên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, cụ thể hóa hơn những nội dung cam kết cũng như bổ sung các trách nhiệm mang tính ràng buộc đối với các nhà đầu tư chiến lược, nhất là trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, đại dương và các giá trị văn hóa xã hội, danh thắng của địa phương cũng như bổ sung các chế tài xử lý trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết.

Chính sách phát triển đối với Khu kinh tế Vân Phong cần chặt chẽ ảnh 2 ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng mối quan tâm này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, do đó phải có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

“Tuy nhiên, theo tờ trình cho phép thời gian chuyển nhượng dự án như trong dự thảo là ngắn, có thể dẫn đến lợi dụng chính sách đầu tư, không thực hiện dự án theo phê duyệt, mà chờ đợi nhà đầu tư khác để chuyển nhượng, hưởng chênh lệch…”, ĐB nêu ý kiến.

Giải trình thêm ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình với ý kiến của các ĐB là phải có cơ chế, chính sách mạnh hơn đối với Khánh Hòa nhằm mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì, cùng với tỉnh Khánh Hòa và các bộ ngành, các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ và tìm ra những cơ chế vượt trội, mang tính đột phá để giúp cho Khánh Hòa bứt phá trong thời gian tới. Trước mắt, chọn ra 11 nhóm chính sách đã nêu trong tờ trình, trong đó có 7 chính sách tương đồng với các chính sách của 8 tỉnh được cho phép thí điểm và 4 chính sách mới, được nhiều ĐBQH đồng tình.

Về cơ chế chính sách đối với Khu kinh tế Vân Phong, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vân Phong có một vị trí hết sức đặc biệt, thế nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ, trong khi chúng ta đang muốn có các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược, dự án lớn, quy mô lớn, có tính lan tỏa, có tính dẫn dắt, có tính đột phá. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết đặt vấn đề tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án lớn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp thu ý kiến đại biểu cần bổ sung cam kết về bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư chiến lược.

Tin cùng chuyên mục