Chính sách đúng cần đi kèm kiểm soát rủi ro

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã thống nhất với dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Số tiền hỗ trợ dự kiến lên đến 61.580 tỷ đồng, trong đó có việc ngân sách chi trực tiếp cho người nghèo, cận nghèo, người nghỉ việc không lương, hộ kinh doanh cá thể… 

Thông tin từ phiên họp cũng cho thấy, Thủ tướng yêu cầu gói tín dụng phải cao hơn gói 250.000 tỷ đồng; gói tài khóa không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn. Trước đó, tại Chỉ thị 11 (về các giải pháp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19), gói tín dụng hỗ trợ dự kiến là 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa là 30.000 tỷ đồng (thực tế, ngày 26-3, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ gói tài khóa 80.200 tỷ đồng).

TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, nhận xét, thành phần đóng góp nhiều nhất vào GDP là kinh tế cá thể; tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình chiếm khoảng 67% GDP. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng, do vậy, việc giãn, hoãn thời hạn nộp thuế là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề khiến không chỉ doanh nghiệp (DN) mà người lao động khó khăn cả lúc chưa có dịch quan tâm chính là bảo hiểm xã hội (BHXH), do đó BHXH cũng cần được giãn nộp ngay để hỗ trợ DN.

Đồng tình với chủ trương giãn, hoãn thuế nhưng PGS-TS Quách Mạnh Hào, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế Việt Nam - Anh tại Đại học Lincoln (Vương quốc Anh) bình luận, thay vì đề xuất giãn, hoãn 5 tháng cố định, một cách hay hơn có thể tính đến là bắt đầu bằng 5 tháng và sau đó xem xét gia hạn tiếp mỗi lần 3 tháng tùy tình hình thực tiễn; hay giãn, hoãn thuế với thời hạn khác nhau cho từng loại thuế thay vì đánh đồng chung; hoặc giãn, hoãn thuế theo quy mô doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các DN nhỏ và vừa thường có xu hướng khó khăn nhiều hơn. Việc đưa ra giải pháp chi tiết, rõ ràng sẽ giúp DN yên tâm về tương lai. Bởi đối với họ lựa chọn bây giờ là đóng cửa, giảm hoạt động, sa thải công nhân hay tiếp tục cầm cự để rồi 5 tháng sau lại trong trạng thái lo lắng như hiện tại.

Còn với gói tiền tệ, theo kiến nghị của một số DN, các ngân hàng chỉ đang giảm lãi suất vay mới, trong khi nhu cầu của DN hiện là cầm cự, tức mong giảm lãi với khoản vay cũ (đi kèm với khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ...).

Bên cạnh đó, bình luận về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện 10% cho các hộ sử dụng với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông được các DN đưa ra khoảng 15.000 tỷ đồng, một chuyên gia kinh tế cho rằng điều này là cần thiết vì sẽ hỗ trợ trực tiếp chi phí hàng tháng của người dùng. Việc giảm bớt lợi nhuận của các ngành trên là cách chia sẻ hữu ích, một cách đồng cam cộng khổ với người sử dụng trong bối cảnh hiện nay.

Trên thế giới, Mỹ tung ra gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD, trong đó có việc hỗ trợ tiền mặt cho người dân. Singapore cũng tung ra gói kích thích kinh tế thứ 2 trị giá 33 tỷ USD, bao gồm loại bỏ thuế tài sản đối với các nhà hàng, khách sạn bị thiệt hại, hỗ trợ tiền lương cho DN và trao tiền mặt trực tiếp cho những người kinh doanh độc lập. Thái Lan cũng mạnh tay giải cứu các DN nhỏ và vừa, người lao động có thu nhập thấp thông qua gói kích thích 12,7 tỷ USD… Việt Nam tuy tiềm lực kinh tế còn hạn chế nhưng cũng đang hướng tới những chính sách mạnh mẽ nhằm trợ lực DN và người dân vượt khó do dịch Covid-19.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng thuận với các chính sách nêu trên song lưu ý cần bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Với chính sách tiền tệ, việc giảm lãi suất cho vay hay giãn nợ ngân hàng cũng tương tự như vậy. Dù đi đúng hướng nhưng một chính sách được áp dụng chung cho tất cả khó có thể hoàn hảo.

Ví dụ như DN thực sự cần tiền nhưng không thể tiếp cận trong khi nhiều DN khác không cần lại vay dễ. Và trên hết, chúng ta hiển nhiên không muốn thấy một “virus nợ mới” sau vài năm nữa. Chính vì vậy, cách tiếp cận đúng nhưng cần phải đi kèm với kiểm soát rủi ro tiềm ẩn ở mức thấp nhất có thể.

Tin cùng chuyên mục