Chính phủ yêu cầu TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9-2021

Ngày 10-8, để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết này, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn, nghiêm cấm tình trạng tham nhũng, tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong phòng, chống dịch. Kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao và các cá nhân, tập thể có thành tích trong phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ.

Dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, công tác phòng, chống dịch là chưa có tiền lệ. Trong quá trình thực hiện, các bộ ngành, địa phương cần bám sát thực tiễn, kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ trân trọng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước tiếp tục chung tay, góp sức, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để sớm kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.

TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9-2021

Nghị quyết nêu rõ, TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9-2021; Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1-9-2021; Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25-8-2021.

Về vaccine, thuốc điều trị Covid-19, Nghị quyết nêu rõ, đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vaccine” bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vaccine để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Bộ Y tế kịp thời phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người mắc, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế điều chỉnh việc phân bổ.

Chính phủ cũng yêu cầu căn cứ mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để bố trí kinh phí mua sắm, dự trữ, tổ chức lực lượng phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý 3-2021.
UBND cấp tỉnh xây dựng các kịch bản ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên địa bàn theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ ngành, địa phương triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này.

Nghị quyết nêu rõ, ưu tiên ngân sách và các nguồn lực hợp pháp bảo đảm kinh phí cho phòng, chống dịch. Sau khi đã rà soát, huy động, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác mà vẫn còn khó khăn, UBND cấp tỉnh đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện. Bộ Tài chính chủ trì rà soát thẩm định, đề xuất cấp thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ, tạm cấp từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương. Bộ Y tế chủ trì, rà soát nhu cầu kinh phí mua, nhập khẩu và phương án sử dụng vaccine, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.

Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù
Chính phủ cũng quyết nghị về các cơ chế, chính sách đặc thù đối với việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc cho miễn phiếu kiểm nghiệm (COA) cho từng lô thuốc, vaccine khi thông quan trong trường hợp cần nhập khẩu khẩn cấp phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19. Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đồng thời là giấy phép hoạt động.

Bộ Y tế được quy định thủ tục hành chính trong thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc áp dụng thí điểm kỹ thuật, thuốc trong chẩn đoán, điều trị Covid-19 và cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, Chính phủ cũng có cơ chế đặc thù trong mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch. Trường hợp không xác định được giá các loại hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, dịch vụ phòng, chống Covid-19 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các bộ ngành, địa phương căn cứ giá do doanh nghiệp công bố theo yêu cầu của Bộ Y tế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và được cập nhật hàng tuần để xác định giá gói thầu.

Trường hợp không có doanh nghiệp công bố giá, để giảm tải khối lượng công việc cho Bộ Y tế tập trung phòng, chống dịch, Chính phủ thống nhất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Tư pháp thành lập Tổ công tác thực hiện việc đàm phán thống nhất về giá với doanh nghiệp để Bộ Y tế công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xác định giá gói thầu.

 Căn cứ tình hình dịch Covid-19 và kịch bản ứng phó, Bộ Y tế kịp thời công bố, cập nhật danh mục vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh để các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tài sản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian có dịch có thể mua sắm tài sản với số lượng cao hơn tiêu chuẩn, định mức nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh và hạn chế tối đa lãng phí, không để xảy ra tiêu cực.

Đặc biệt, Nghị quyết nêu: chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế. Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-12-2022.

Tin cùng chuyên mục