Chính phủ sẽ xem xét 2 phương án về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt

Với thực trạng ngành đường sắt có nguy cơ phải dừng chạy tàu nếu không kịp thời được giao vốn bảo trì để duy trì hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nhiệm vụ được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 70/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp trình Chính phủ để thảo luận, cho ý kiến về 2 phương án.

Phương án 1: Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14-11-2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GTVT như đã thực hiện năm 2019.

Phương án 2: Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.

Bộ GTVT đã giao hơn 2.800 tỷ đồng dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam từ cuối tháng 12-2019. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể ký hợp đồng đặt hàng, làm cơ sở triển khai kế hoạch bảo trì do vướng mắc về cơ chế, các quy định pháp luật.

Bộ GTVT đã có văn bản trình Chính phủ báo cáo cụ thể các vướng mắc này. Để hoạt động đường sắt được bình thường, an toàn, hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai ngay các thủ tục giải ngân; trường hợp vướng các quy định pháp luật, báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.

Trước đó, với thực trạng ngành đường sắt có nguy cơ phải dừng chạy tàu nếu không kịp thời được giao vốn bảo trì để duy trì hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nhiệm vụ được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh an toàn đường sắt là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngành đường sắt có nhiều đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt; có hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt phức tạp.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động; đồng thời phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ tối 3-3, báo chí đặt câu hỏi: sau khi một số tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thì gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc triển khai các dự án, dẫn đến một số đơn vị như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin về lại Bộ GTVT nhưng chưa được giao dự toán ngân sách.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trả lời cho biết, thực hiện Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 29-9-2018, 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao nguyên trạng từ 5 bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhưng có 2 đơn vị là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam, từ trước đến nay được giao vốn qua Bộ GTVT, với các dự án có liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng.

Về vận tải đường sắt, mặc dù Tổng Công ty đã về Ủy ban từ tháng 10-2018, nhưng kế hoạch năm 2019 vẫn là do Bộ GTVT giao vốn bình thường. Liên quan đến bảo trì kết cấu hạ tầng, yêu cầu đặt ra là theo cơ chế đặt hàng.

“Hiện có hai luồng ý kiến là vẫn triển khai như những năm trước và luồng thứ hai là theo cơ chế đặt hàng. Nhưng nếu thực hiện theo cơ chế đặt hàng thì dù ở Ủy ban Quản lý vốn hay Bộ GTVT, vẫn phải thực hiện theo cơ chế chung”, bà Nguyễn Thị Phú Hà nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục