Chính phủ đề nghị không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử

Chiều 17-8, trình bày tại phiên họp UBTVQH về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, có 2 vấn đề quan trọng, nhạy cảm còn nhiều ý kiến khác nhau, liên quan đến hình thức tố cáo và tố cáo nặc danh.

Theo Tổng Thanh tra, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung mở rộng thêm các hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp, phản ánh thông tin về hành vi vi phạm pháp luật, tránh bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định 2 hình thức tố cáo như trong dự thảo luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử.

Chính phủ đề nghị không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử ảnh 1 Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu

“Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết; khó khăn trong việc xác định trách nhiệm những người lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ theo quy định”, người đứng đầu ngành thanh tra phân tích.

Mặc dù không xem xét, giải quyết đối với tố cáo qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử theo quy trình giải quyết tố cáo, Chính phủ cho rằng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử cần phải được các cơ quan Nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra. Do vậy, dự thảo luật đã có quy định riêng về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật qua điện thoại, email, fax.

Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp có nhiều quan điểm trái chiều, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp để Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị.

Về đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo (tố cáo nặc danh), Chính phủ đề nghị không quy định việc xem xét giải quyết tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo, cũng như hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ; lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, có trường hợp do sợ bị trả thù, trù dập mà người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ, nhưng trong đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, cụ thể, gửi kèm nhiều bằng chứng chứng minh các hành vi vi phạm như băng hình, ghi âm, tài liệu… và các cơ quan Nhà nước không gặp khó khăn khi xác minh, kết luận.

Để không bị bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị quy định trong dự thảo luật theo hướng: Trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo thì không thụ lý giải quyết. Trong trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng nội dung, thông tin rõ về người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể, có cơ sở thẩm tra, xác minh thì người tiếp nhận đơn tố cáo trình người đứng đầu cơ quan quản lý cùng cấp xem xét, quyết định để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.

Nhận định đây cũng là vấn đề phức tạp có nhiều quan điểm trái chiều, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp để Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị.

Liên quan đến đối tượng bị tố cáo, ông Phan Văn Sáu cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chính phủ đã bổ sung trường hợp có nhiều người bị tố cáo trong đó vừa có cán bộ, công chức, viên chức, vừa có cá nhân không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

Về ý kiến đề nghị không quy định về giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đã nghỉ hưu, chuyển công tác mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức vì khi đó họ không còn là cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm xảy ra trong thời kỳ họ đang là cán bộ, công chức, viên chức thì cần phải được xem xét giải quyết để đảm bảo khách quan, không để sót, để lọt hành vi vi phạm và trên thực tế hiện nay các cơ quan có thẩm quyền của Đảng vẫn xử lý đối với những trường hợp này.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị giữ quy định này trong dự thảo luật.

Tin cùng chuyên mục