Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội chương trình phục hồi kinh tế “đủ lớn, đủ mạnh, đủ dài”

Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển xã hội mà Chính phủ xây dựng nêu các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội, cải cách thể thế… Theo đánh giá của các chuyên gia là “quy mô đủ lớn, giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài”, tập trung thực hiện trong 2 năm 2022-2023.

Tối 2-12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 11. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo.

Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội chương trình phục hồi kinh tế “đủ lớn, đủ mạnh, đủ dài” ảnh 1 Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ tháng 11. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại họp báo, báo chí chất vấn về vấn đề gia hạn thời hạn sử dụng vaccine vừa qua gây bất an cho dư luận? Có quốc gia nào gia hạn như Việt Nam hay không, hay là thực hiện tiêu hủy vaccine hết hạn? Kế hoạch tiêm mũi 3 tiến hành ra sao, Thủ tướng yêu cầu đến giữa tháng 12 phải tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên thì có khả thi? Bộ Y tế đánh giá về nguy cơ làn sóng dịch thứ 5 ở Việt Nam? Bộ Y tế hỗ trợ cho các địa phương có dịch như thế nào?

Trả lời các vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện diễn biến dịch vẫn phức tạp, số ca mắc cao, số ca tử vong tăng lên. Hầu hết các ca tử vong tăng nhiều ở nhóm người trên 50 tuổi, đặc biệt là kết hợp với có bệnh nền như tim mạch, ung thư (chiếm trên 80% ca tử vong). Do đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn có sự phân loại, phân tầng đối tượng này để có điều trị hợp lý.

Cùng với đó, phân loại các đối tượng bệnh nhân; tiếp tục hỗ trợ các địa phương có ca nặng cao, Bộ Y tế đã phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ cho các tỉnh thành có dịch phức tạp; tăng cường công tác phòng chống nhiễm khuẩn ở cơ sở y tế để giảm tỷ lệ tử vong.

“Bộ Y tế đã hướng dẫn phân tầng điều trị, tránh chuyển tuyến quá sớm sẽ gây quá tải cho bệnh viện tầng trên, nhưng cũng không được chuyển muộn sẽ gây tử vong người bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công điện về các biện pháp tử vong rất cụ thể cho các cơ sở y tế”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội chương trình phục hồi kinh tế “đủ lớn, đủ mạnh, đủ dài” ảnh 2 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời tại họp báo. Ảnh: QUANG PHÚC

Về vấn đề tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 3, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi, trong đó đã có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 mũi và gần 68% người tiêm đủ 2 mũi. Tiêm đủ mũi cơ bản là rất quan trọng, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn rõ điều này.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Việc tiêm liều bổ sung vaccine Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện đối với các nhóm đối tượng bao gồm: người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng.

Sử dụng vaccine cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA (vaccine Moderna và Pfizer); tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine…

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận vaccine với các đối tác, sẽ đủ vaccine để thực hiện tiêm bổ sung trong tháng 12.

Về việc Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế mới đây cho phép tăng hạn dùng lên 9 tháng đối với 2 lô vaccine Pfizer (2.960.100 liều) có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn 6 tháng, ở điều kiện bảo quản âm 90 đến âm 60 độ C đã gây bất an cho người dân những ngày gần đây, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, Bộ Y tế và TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã trả lời rất rõ về vấn đề này.

Việc gia hạn vaccine Pfizer thực hiện theo thông lệ của quốc tế, Việt Nam không tự động gia hạn. Mọi vaccine về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của WHO và đảm bảo chất lượng khi sử dụng cho người dân.

Về chương trình phục hồi kinh tế và phát triển xã hội mà Chính phủ xây dựng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ giao bộ KH-ĐT xây dựng, đang trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện. Chính phủ sẽ thảo luận, thống nhất và trình ra Quốc hội tại kỳ họp đột xuất của Quốc hội vào tháng 12 này.

Chương trình nêu các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội, cải cách thể thế…

Theo đánh giá của các chuyên gia là “quy mô đủ lớn, giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài”, tập trung thực hiện trong 2 năm 2022-2023.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh và thực tế triển khai có thể kéo dài thêm thời gian thực hiện, đơn cử như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam với quy mô lớn thì khó hoàn thiện trong 2 năm, nên có thể kéo dài hơn.

Về nguồn lực thực hiện, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, nếu chi phí không đủ thì thời gian sẽ phải kéo dài, nên chúng ta sẽ tính toán để bảo đảm quy mô đủ lớn, giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài nhằm thực hiện hiệu quả. Do Quốc hội chưa thông qua nên chưa thể công bố các giải pháp, công cụ về tiền tệ, tài khóa của chương trình phục hồi kinh tế và phát triển xã hội.

“Tuy nhiên, giải pháp tiền tệ, tài khóa là đủ mạnh, đồng thời sẽ huy động mạnh mẽ các nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân, các quỹ…”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông trả lời về kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế nhấn mạnh, đây là nhu cầu thực tế khách quan, không chỉ riêng Việt Nam có nhu cầu mở lại mà nhiều quốc gia cũng muốn mở lại để bảo đảm giao thương, đi lại.

Theo kế hoạch đã công bố trước đó, dự kiến đầu tháng 12 có thể mở một số đường bay. Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch về nội dung này và báo cáo Thủ tướng ngày 8-11, trong đó đưa ra những quốc gia mà Việt Nam dự kiến liên kết mở đường bay quốc tế, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia khác. Kèm theo đó là lộ trình và từng giai đoạn khác nhau dựa trên nhu cầu của từng thị trường.

Hiện Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục bàn thảo với các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ. Điều kiện mở chuyến bay phải xem xét khả năng phòng chống dịch, tỷ lệ bao phủ vaccine, vấn đề “hộ chiếu vaccine” với các quốc gia mà chúng ta kết nối. Mở lại đường bay phải có sự đồng thuận của các quốc gia đó và sự tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của các hãng bay.

Hiện, chúng ta vẫn đang tích cực thảo luận vấn đề này. Tuy nhiên, do biến thể Omicron mới nên các quốc gia cũng đang tính toán lại. Trên cơ sở làm việc, thảo luận kỹ với các nước thì các bộ ngành sẽ báo cáo Thủ tướng quyết định.

Về vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nói thêm, Bộ GTVT đã có kịch bản về vấn đề này rất chi tiết, phải vừa bảo đảm hiệu quả thông thương, vừa phải bảo đảm nghiêm ngặt quy định về phòng chống dịch.

Tin cùng chuyên mục