Chính phủ bàn về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM

Sáng 3-11, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10-2017. Tại cuộc họp này, theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ bàn, giải quyết một số vấn đề rất mới, lần đầu thảo luận, như Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM và một số nghị quyết quan trọng khác.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng chúc mừng và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm hai thành viên Chính phủ mới là Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Kinh tế chuyển biến tích cực

Khai mạc phiên họp, về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10, Thủ tướng đánh giá, các bộ ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhất là tạo môi trường đầu tư kinh doanh lên thang bậc mới, đặc biệt là tích cực chỉ đạo chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. 

Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, từ 82 lên 68.

“Chúng ta đã thực sự phấn đấu được theo tinh thần chỉ đạo đầu năm là đứng trong nhóm đầu ASEAN, đã vượt qua Indonesia và nhiều nước trong khu vực”, Thủ tướng nói. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2017. Ảnh: VGP

Có nhiều chỉ tiêu để Việt Nam thăng hạng nhưng có 2 chỉ tiêu nổi bật là nộp thuế điện tử và tiếp cận điện năng. Cùng với đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Thủ tướng nhìn nhận và đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Thủ tướng, so với tháng 9, tất cả các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt chỉ chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Hệ thống bán lẻ của chúng ta sau khi chấn chỉnh một bước đã phục vụ rất tốt hệ thống tiêu dùng của nhân dân.

Đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và một số mặt hàng chủ lực của nước ta tăng cao trong tháng này. Xuất khẩu tháng 10 tiếp tục tăng và đến nay chúng ta đã xuất siêu 1,23 tỷ USD. Có 105.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, có 97% số doanh nghiệp mới có doanh thu và có nộp thuế. Như vậy, đây là một tin mừng, kết quả tích cực của tái cơ cấu doanh nghiệp.

Không được chủ quan

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, đất nước còn đối diện một số thách thức, khó khăn, nhất là tình hình bão, lũ lụt, lở đất làm nhiều người chết trong thời gian qua. Giải ngân vốn đầu tư cơ bản có tiến bộ nhưng còn chậm. Mặc dù có cải thiện, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, cần tiếp tục tháo gỡ. Nhiều vấn đề như bảo vệ môi trường, phá rừng ở một số địa phương, an ninh trật tự, an toàn giao thông cần tiếp tục đặt ra.

Thủ tướng đề nghị đầu tiên là cần khắc phục ngay tồn tại, bất cập mà một số đại biểu Quốc hội đã nêu ra chứ không phải chờ đến khi có Nghị quyết, ví dụ như vấn đề trẻ em dưới 6 tháng tuổi phải đóng tiền xây dựng nghĩa trang (đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu), hay tình trạng phí chồng phí trong một số lĩnh vực… 
Thủ tướng cũng nhắc nhở, tuy đạt kết quả tháng 10 tốt nhưng không thể chủ quan trong chỉ đạo, điều hành quản lý đất nước, nhất là trong một số ngành, một số địa phương. Phải tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất.

Thủ tướng đề nghị tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ lụt vừa qua; tổ chức tuần lễ cấp cao APEC tốt nhất.

Tại cuộc họp này, theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ bàn, giải quyết một số vấn đề rất mới, lần đầu thảo luận, như Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM và một số nghị quyết quan trọng khác.

Chính phủ bàn về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM ảnh 2 Một góc TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại phiên họp, Chính phủ sẽ nghe báo cáo và thảo luận về việc khắc phục hậu quả bão, lũ vừa qua và các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời gian tới; tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017; rà soát, đề xuất cụ thể việc cắt giảm mức phí và loại phí thuộc phạm vi quy định của pháp luật về phí và lệ phí; về rà soát, cắt giảm các loại chi phí chính thức ngoài phí, lệ phí theo quy định pháp luật phí, lệ phí và chi phí chính thức ngoài phí, lệ phí và chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai...; thí điểm tổ chức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện tại thành phố Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục