Chính giáo viên sẽ là người rà soát và đề xuất tinh giản các nội dung dạy học

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức tập huấn về xây dựng kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục cho gần 600 tổ trưởng chuyên môn cốt cán các trường THPT của 16 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ. Đây là đợt tập huấn cuối cùng cho các tỉnh còn lại, tiếp nối các khoá tập huấn trước đã tổ chức tại Hải Phòng, Nghệ An, Đắk Lắk cho tổ trưởng chuyên môn 63 tỉnh/ thành phố.
Giáo viên tham gia tập huấn
Giáo viên tham gia tập huấn

Tại khoá tập huấn, các tổ trưởng chuyên môn được hướng dẫn thực hiện rà soát tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn, kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục trong thực hiện chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học. Đồng thời hướng dẫn việc đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, về tinh giản nội dung dạy học, giáo viên sẽ rà soát và đề xuất tinh giản các nội dung dạy học vượt quá nội dung cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học và hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay thế cho thông tin cũ, lạc hậu... Sau khi tinh giản, giáo viên thực hiện tích hợp hoặc ghép hợp nội dung kiến thức thành bài học hoặc chủ đề dạy học.

Chính giáo viên sẽ là người rà soát và đề xuất tinh giản các nội dung dạy học ảnh 1 Tổ trưởng chuyên môn tham gia tập huấn tập trung

Theo TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), chương trình giáo dục phổ thông mới có mục tiêu chuyển từ nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh.

Để học sinh đang học chương trình hiện hành có thể thụ hưởng những lợi ích của việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho người học, đồng thời giúp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có bước đệm để triển khai chương trình giáo dục phổ thông, từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Theo đó, bộ yêu cầu các nhà trường tinh giản các nội dung dạy học vượt quá nội dung cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học và hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay thế cho thông tin cũ, lạc hậu…

Việc dạy học và kiểm tra đánh giá cũng được yêu cầu đổi mới theo hướng tăng cường tính chủ động, sáng tạo của học sinh, dạy học thông qua các hoạt động giáo dục trong và ngoài lớp.

TS Sái Công Hồng cho rằng, đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá cần phải đồng bộ với hoạt động tinh giản nội dung dạy học. Điều này giúp giáo viên, học sinh có thêm nhiều thời gian thực hiện các phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mới để hình thành và phát triển phẩm chất năng lực người học.

Vừa qua, để ứng phó với dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã tinh giản nội dung dạy học của chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng GD-ĐT, thời gian tới sẽ thực hiện tinh giản nội dung dạy học của chương trình hiện hành, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng giáo dục phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh. Chủ trương này sẽ thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Bộ GD-ĐT yêu cầu, để tổ chức dạy học sau tinh giản, các nhà trường, tổ chuyên môn phải xây dựng kế hoạch chuyên môn của từng môn học. Từng giáo viên căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch dạy học cho cá nhân, để thực hiện linh hoạt, sáng tạo các bài học, các chủ đề. Trong kế hoạch dạy học, cần xác định rõ yêu cầu cần đạt của chủ đề, từ đó định hướng phương pháp giảng dạy và phân bổ thời gian hợp lý.

Cũng theo TS Sái Công Hồng, việc đổi mới kiểm tra đánh giá được thực hiện theo hướng tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Đánh giá bằng nhận xét không thực hiện chung chung mà đánh giá sự tiến bộ của người học về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh. Các hình thức kiểm tra đánh giá sẽ đa dạng như: hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá bằng sản phẩm học tập. Đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá học sinh.

Tới đây, giáo viên của các tổ chuyên môn sẽ đề xuất nội dung tinh giản, xây dựng các chủ đề, nhóm chủ đề theo nội dung đã tinh giản. Sản phẩm này được Sở GD-ĐT các tỉnh tổng hợp, gửi về Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT sẽ mời các nhà khoa học nghiên cứu đề xuất của giáo viên để tiến hành tư vấn cho Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn và thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Như vậy, nội dung tinh giản sẽ là sản phẩm trí tuệ chung, kết hợp cả thực tiễn và khoa học.

Hiện nay Bộ GD-GD đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để các giáo viên thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục