Chỉnh đốn Đảng không làm theo kiểu hình thức, nửa vời

Trước lúc đi xa, Bác Hồ đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng. Một nội dung được Người quan tâm hàng đầu thể hiện trong bản Di chúc này là lời dặn dò về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm “Hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy khối Dân-Chính-Đảng tổ chức . Ảnh: VIỆT DŨNG
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm “Hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy khối Dân-Chính-Đảng tổ chức . Ảnh: VIỆT DŨNG
1. Trước lúc đi xa, Bác Hồ đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng. Một nội dung được Người quan tâm hàng đầu thể hiện trong bản Di chúc này là lời dặn dò về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đoạn văn này chỉ có 57 từ, riêng chữ “thật” được Bác nhắc tới 4 lần. Rất rõ ràng, Người gửi lại cho chúng ta hàm ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải làm thật, không thể làm hình thức, nửa vời. 
Chữ “cầm quyền” Bác dùng ở đây là để nhắc nhở những người cộng sản khi nắm chính quyền phải có đạo đức cách mạng để giúp họ chống lại sự tha hóa quyền lực, suy thoái quyền lực mà các giai cấp cầm quyền trước đó đều không tránh khỏi. Bằng trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn phong phú với trên 24 năm ở cương vị người đứng đầu của Nhà nước cách mạng ở nước ta (từ ngày 28-8-1945 đến 2-9-1969), những điều căn dặn đó của Bác có đầy đủ những luận chứng khoa học về lý luận và thực tiễn. Những giá trị trong tư tưởng của Bác về đảng cầm quyền, về Nhà nước cách mạng ở Việt Nam chính là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động để Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân -  do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đặc biệt là quan điểm mới của Đảng ta về kiểm soát quyền lực nhà nước; xây dựng cơ chế nhằm kiểm soát quyền lực của người đứng đầu bằng pháp chế, theo nguyên tắc quyền hạn và trách nhiệm phải tương ứng.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh có năng lực đặc biệt về tiên tri, dự báo. Tháng 6-1925, khi hình thành tổ chức Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam để chuẩn bị cho việc “dựng Đảng cứu quốc”, Người đã quan tâm đặc biệt đến việc “trồng người” cộng sản. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), thật độc đáo khi Người dành chương đầu tiên để nói về “tư cách của người kách mệnh” với 23 điều (14 điều về bản thân, 5 điều đối với người, 4 điều đối với việc). 90 năm đã qua nhưng đọc lại những nội dung này, ta thấy còn vẹn nguyên giá trị và đượm hơi thở của cuộc sống. Những tư cách của “người kách mệnh” được chỉ ra cụ thể như: nói thì phải làm, giữ vững chủ nghĩa, ít lòng ham muốn về vật chất… Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã một lần nữa giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng sâu sắc khi trở lại những tư tưởng của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà cốt lõi chính là đạo đức cách mạng.
Tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, khi cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta đang phải chiến đấu giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc; khi Đảng ta mới cầm quyền được 2 năm nhưng đã bắt đầu xuất hiện những bệnh tật nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân, mà thực chất là sự tha hóa về quyền lực. Trong tác phẩm kinh điển về lý luận chính trị nổi tiếng này, Người đã chỉ ra 3 bệnh lớn là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Ba bệnh lớn này còn đẻ ra 19 tật bệnh cụ thể như cận thị (về chính trị), quân phiệt, tham lam, kéo bè kéo cánh, kiêu ngạo, lười biếng, quan liêu, háo danh, làm quan cách mạng, một người làm nên cả họ được nhờ… Như vậy, trong lịch sử chính trị ở nước ta từ sau khi có Đảng, Bác là người đầu tiên phát hiện và chỉ ra một cách thuyết phục những bệnh tật của đảng cầm quyền. Người đã dành chương 3 - đặt ở vị trí trung tâm của cuốn sách và với dung lượng nhiều nhất (29 trang) - để làm nổi bật 12 điều tư cách của một đảng cách mạng, 5 tư cách của một người cách mạng trong điều kiện đảng cầm quyền. Người đã để lại những đánh giá mang tính định lượng và những biện pháp rất thiết thực, nhằm giải quyết những tật bệnh đem đến nguy hại cho Đảng. Tác phẩm này thực sự là cuốn cẩm nang về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về đạo đức cách mạng; về công tác cán bộ; về phương thức lãnh đạo của Đảng…
3. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội XII xác định thực hiện suốt nhiệm kỳ, thì xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ đầu tiên. Tổng kết thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong suốt lịch sử của Đảng ta, nhất là trong 30 năm đổi mới, Đại hội XII lần đầu tiên đã hoàn chỉnh nhận thức và quan điểm về phương châm xây dựng Đảng của Đảng ta phải được thực hiện đồng bộ trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây thực sự là sự trở lại với tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm làm cho Đảng ta trở thành “là đạo đức, là văn minh”. 
Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn của Đảng ta đã có bước tiến vượt bậc mà minh chứng quan trọng nhất, thuyết phục nhất chính là việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Những kết quả ban đầu của việc thực hiện nghị quyết trên một lần nữa cho chúng ta thấy rằng, khi nào Đảng ta nhận thức sâu sắc, thành tâm làm theo một cách thật sự những lời căn dặn của Bác về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng và về con đường đi lên của cách mạng Việt Nam nói chung, thì không những Đảng mạnh mà sự nghiệp cách mạng của nhân dân và dân tộc cũng sải những bước vững chắc trên con đường thắng lợi của mình.
Đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 39 sinh nhật của Đảng ta (ngày 3-2-1969), Người đã gửi đăng trên Báo Nhân dân bài viết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bài báo cuối cùng mà Bác để lại đã chỉ cho chúng ta sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân với 10 biểu hiện bệnh tật cụ thể mà nó đẻ ra. Bác cũng chỉ ra 3 giải pháp về phía tổ chức Đảng phải chống chủ nghĩa cá nhân; 2 giải pháp cho từng cán bộ đảng viên của Đảng phải gột rửa, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân trong mỗi người. Trong bài báo này, Bác để lại một câu nói nổi tiếng “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Với sự nghiêm khắc của người cộng sản, mỗi đảng viên hôm nay phải tự hỏi mình đã làm tròn được lời dạy này của Bác chưa?

Tin cùng chuyên mục