Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc là cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa

Dự hội thảo có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và TPHCM; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, giảng viên.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc là cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa

Sáng 20-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “TPHCM với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnôm Pênh, Campuchia”, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc (1979 - 2019) và 30 năm hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia (1989 - 2019).

Dự hội thảo có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và TPHCM; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, giảng viên.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Lê Văn Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh: Đến nay, với những sáng tỏ của lịch sử, chúng ta một lần nữa tự hào khẳng định cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương ở Tây Nam của quân và dân ta là cuộc chiến bắt buộc, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tinh thần láng giềng thủy chung, chí tình, chí nghĩa giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia; chiến tranh biên giới phía Bắc của quân và dân ta là cuộc chiến bảo vệ độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Nhắc lại những dấu ấn lịch sử của những năm tháng oanh liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc biên giới hai đầu đất nước và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, đồng chí Lê Văn Minh cho rằng hội thảo lần này góp phần quan trọng tạo nền tảng khoa học vững chắc trong cuộc đấu tranh chống lại sự xuyên tạc lịch sử; đồng thời góp phần bồi đắp, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Với hơn 90 tham luận của các nhà nghiên cứu, hội thảo tập trung vào làm rõ nguyên nhân, tính tất yếu, diễn biến, quá trình chỉ đạo, tổ chức xây dựng, tổ chức lực lượng của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam (1977 - 1979), biên giới phía Bắc (1979 - 1989); làm rõ vai trò hậu phương trực tiếp của TPHCM, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu giữa TPHCM với các tỉnh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc trong các trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (1979 - 1989); phối hợp với quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng; góp phần thắng lợi bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trong tham luận tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia TPHCM, cho biết khi hai cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, TPHCM đã phát động phong trào “Mỗi một cây chông là một viên đạn”. Chỉ trong một thời gian ngắn, TPHCM đã chuyển lên biên giới 3 triệu cây chông tre và chông sắt do người dân đóng góp; 481.265 bàn chông sắt do các nhà máy, xí nghiệp sản xuất; 70 tấn sắt thép; 82 tấn xi măng; 96.700 cuốc xẻng; 5.000 dao tông, lưỡi cưa; chi viện cho tiền tuyến 39 ô tô các loại, 100 xe đạp thồ cùng nhiều đồ dùng phục vụ chiến đấu khác. 

GS-TS Võ Văn Sen, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, bổ sung thêm và nhấn mạnh đến phong trào “Vì tuyến đầu Tổ quốc” do MTTQ Việt Nam TPHCM phát động. Qua đó, nhân dân TPHCM đã đóng góp và gửi tặng mặt trận biên giới phía Bắc 5.236.638 đồng tiền mặt, 141 tấn hàng hóa. Trong 14 năm (1976 - 1989), 189.890 người con của TPHCM lên đường nhập ngũ tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Ngay sau ngày giải phóng Phnôm Pênh, TPHCM đã viện trợ khẩn cấp cho chính quyền cách mạng mới của Campuchia 4,7 tỷ đồng và hàng ngàn tấn gạo cứu đói; khôi phục hệ thống nước sạch. Từ năm 1980 trở đi, trung bình mỗi năm nhân dân TPHCM gửi 24,5 tấn hàng hóa cho quân tình nguyện và nhân dân Campuchia; tổ chức các đoàn chuyên gia giúp đỡ nhân dân Phnôm Pênh trên nhiều mặt, giúp cho nhân dân Phnôm Pênh trở lại cuộc sống hàng ngày.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng tập trung phân tích, thảo luận về ý nghĩa lịch sử và những kinh nghiệm rút ra trong quá trình xây dựng và tổ chức lực lượng của TPHCM, phối hợp với các tỉnh bạn và nhân dân Campuchia trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng; 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnôm Pênh vận dụng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM.

Tin cùng chuyên mục