Chiến thuật cũ, tác động mới

Hôm nay 5-1, theo kế hoạch, đại diện của Chính phủ Afghanistan và đại diện lực lượng Taliban sẽ khởi động vòng đàm phán mới tại Doha, Qatar nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài ở đất nước này.
Chủ tịch Hội đồng hòa giải quốc gia tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah (giữa, phía trước) phát biểu tại phiên khai mạc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban ở Doha, Qatar ngày 12-9-2020. Ảnh: Nguồn: TTXVN
Chủ tịch Hội đồng hòa giải quốc gia tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah (giữa, phía trước) phát biểu tại phiên khai mạc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban ở Doha, Qatar ngày 12-9-2020. Ảnh: Nguồn: TTXVN

Các cuộc đàm phán hòa bình của Afghanistan bắt đầu từ 12-9-2020 nhưng sau đó đã bị phủ bóng bởi một loạt bất đồng và tình trạng bạo lực bùng phát, trong đó có các vụ tấn công và ném bom bằng thiết bị không người lái (drone) của Taliban trên khắp đất nước.

Cuộc hòa đàm mới nhất này cũng không phải ngoại lệ khi hàng loạt vụ đánh bom, tấn công bằng tên lửa, bắt cóc con tin xuất hiện mỗi ngày. Theo Arab News, hiện lực lượng Taliban đã áp dụng các công nghệ hiện đại để tạo ra các phương pháp tấn công đặc biệt trên chiến trường Afghanistan.

Mới đây, vào một buổi chiều yên tĩnh ở Kunduz, miền Bắc Afghanistan, khi các vệ sĩ của thống đốc tỉnh đang chơi bóng chuyền trong sân nhà khách của thống đốc, đột nhiên cả khu nhà rung chuyển vì tiếng bom nổ, 4 người chơi bóng đều thiệt mạng. Mặc dù Kunduz từ lâu vẫn là khu vực chịu nhiều cuộc tấn công nhất ở miền Bắc Afghanistan vì sự hiện diện dày đặc của Taliban ở đây, thế nhưng các quan chức điều tra vụ tấn công vẫn bị bối rối khi không thể xác định ngay lập tức cuộc tấn công đã diễn ra như thế nào. Phải mất 1 ngày họ mới tìm được cách mà Taliban thực hiện cuộc tấn công, đó là một quả bom được thả từ trên cao xuống từ một drone.

Bilal Sarwary, một nhà báo nổi tiếng người Afghanistan, viết: “Vũ khí và đạn dược gắn vào máy bay không người lái đang trở thành xu hướng gây chết người mới nhất trên chiến trường Afghanistan”. Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, cũng xác nhận việc sử dụng drone, nhưng từ chối cung cấp các chi tiết khác như họ lấy chúng từ đâu và họ đã sử dụng phương pháp này bao lâu.

Tướng về hưu Javid Kohestani mô tả đó là một sự phát triển đáng lo ngại và là một chiến thuật mới của quân nổi dậy, thậm chí họ còn sử dụng một số công nghệ hiện đại, chẳng hạn như thiết bị nhìn đêm hay quang học nhiệt trong tác chiến: “Chính phủ không có cơ chế theo dõi các loại thiết bị bay này, trong khi hệ thống phòng không hiện có rất khó phát hiện chúng”.

Như vậy, chiến thuật vừa đánh bên ngoài để gây áp lực, vừa đàm phán bên trong của lực lượng Taliban tuy đã sử dụng từ nhiều năm qua, đến nay vẫn tạo ra các tác động không nhỏ, khiến nỗ lực chấm dứt hàng chục năm chiến tranh ở Afghanistan ngày càng khó khăn, triển vọng hòa bình ngày càng mờ mịt.

Tin cùng chuyên mục