Chiến lược kép trong sản xuất năng lượng

Hợp nhất hệ thống năng lượng và một chiến lược “Hydro mới” sẽ là mũi nhọn trong nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt mục tiêu không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Đây là nội dung chiến lược kép vừa được Ủy ban châu Âu (EC) công bố. 

Theo đó, “chiến lược kép” sẽ mở đường tiến tới một lãnh vực năng lượng kết nối hiệu quả hơn, thúc đẩy bởi mục tiêu kép về một hành tinh sạch hơn và một nền kinh tế mạnh hơn.

Trong kế hoạch hợp nhất hệ thống năng lượng, EC nỗ lực đi đến việc từ bỏ mô hình tiêu thụ năng lượng không kế hoạch hiện nay để thay thế bằng một hệ thống năng lượng hợp nhất và có kế hoạch, gồm việc sử dụng hiệu quả hơn năng lượng tái tạo trong các tòa nhà hoặc các cộng đồng, xây dựng thêm nhiều trạm sạc điện và thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch.

Trong phần 2 của kế hoạch hành động này, chiến lược hydro mới của EC sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn, kéo dài từ năm 2020 đến 2050 với mục tiêu loại bỏ dần khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong tất cả lãnh vực trên toàn EU, đồng thời phát triển hơn nữa hydro tái sử dụng.

Theo giới chuyên gia khí hậu, nguồn năng lượng hydro có thể được ứng dụng vào sản xuất thép trung tính carbon, vận hành các phương tiện đường bộ, hoặc dự trữ năng lượng cho mùa đông vì đây là nguồn năng lượng vô tận, có thể tái sinh được. Nguồn năng lượng này giữ vai trò chủ đạo thay thế nhiên liệu hóa thạch, không gây ô nhiễm môi trường và cũng là nguồn năng lượng cho tương lai của EU. 

Chiến lược “hydro mới” không những sẽ đóng vai trò then chốt trong hệ thống năng lượng EU, giúp thực hiện được giải pháp về một nền kinh tế không gây hại cho khí hậu, mà cùng với Thỏa thuận Xanh châu Âu và gói phục hồi EU thế hệ mới của EC, “hydro mới” cũng được xem là những nhân tố quan trọng tạo việc làm của EU. Nền kinh tế “hydro mới” cũng sẽ là một động lực tăng trưởng giúp khắc phục những thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19. Trong việc phát triển và triển khai chuỗi giá trị hydro sạch, châu Âu có triển vọng thành công nhất toàn cầu và tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về công nghệ sạch. 

Chiến lược kép mới này không chỉ tăng cường thêm cam kết của EU trở thành khu vực không khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 mà còn đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thực hiện Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Trong khối EU, Đức đang hướng tới việc trở thành quốc gia số 1 thế giới về phát triển công nghệ năng lượng sạch hydro, góp phần giảm khí thải carbon toàn cầu và thúc đẩy kinh tế.

Nội các Đức vào tháng trước đã đồng ý bơm 9 tỷ EUR (10,2 tỷ USD) vào việc phát triển công nghệ năng lượng sạch hydro. Trong số này, 7 tỷ EUR sẽ được dành hỗ trợ việc sản xuất và đưa năng lượng hydro vào thị trường Đức, 2 tỷ EUR còn lại được chi vào hoạt động hợp tác với nước ngoài. Phát triển kinh tế đi cùng với bảo vệ môi trường được xem là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của nền kinh tế đầu tàu châu Âu này.

Tin cùng chuyên mục