Chia sẻ và lo dự phòng

Ngày 2-6, tại hội nghị cấp cao về tài trợ cho cơ chế COVAX do Nhật Bản và Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đồng tổ chức trực tuyến, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế cùng các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp thêm 2,4 tỷ USD cho cơ chế này nhằm phân phối vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình. 
Một phòng nghiên cứu vaccine ở Đức
Một phòng nghiên cứu vaccine ở Đức

Đến nay, tổng giá trị đóng góp của quốc tế dành cho cơ chế COVAX đạt gần 9,6 tỷ USD, vượt quá mục tiêu 8,3 tỷ USD đề ra ban đầu. Riêng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố sẽ cung cấp thêm 800 triệu USD, ngoài khoản đóng góp 200 triệu USD trước đó, cho cơ chế COVAX. Như vậy, Nhật Bản trở thành nước đóng góp lớn thứ hai cho cơ chế này, sau Mỹ (với 2,5 tỷ USD và 80 triệu liều vaccine).

COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine cho toàn thế giới trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp hơn vào đầu năm 2022. Cơ chế này đến nay đã cung cấp 70 triệu liều vaccine Covid-19 cho 126 quốc gia, song đang thiếu 190 triệu liều vào cuối tháng 6 do tốc độ lây lan dịch Covid-19 gia tăng ở Ấn Độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung của cơ chế trong quý 2 năm nay. 

Thực tế cho thấy, cách thức phân phối, chia sẻ nguồn vaccine Covid-19 trên thế giới đang gặp thách thức khi có quá nhiều nước hiện có nhu cầu tiếp nhận. Quyết định phân phối sẽ dựa trên một loạt các yếu tố, như xu hướng dịch tễ và mối nguy y tế, đâu là nơi vaccine phát huy tác dụng tốt nhất, hạ tầng các nước nhận vaccine có thể đáp ứng… Trong khi đó, truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này sẽ công bố chi tiết kế hoạch phân phối 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho các quốc gia trên thế giới đến cuối tháng 6. Đây là động thái được nhiều nước mong đợi trong bối cảnh Mỹ đang được xem là “bơi” trong kho vaccine dự trữ sau khi đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng đủ đảm bảo cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng. 

Nhiều nước đã nhanh chóng lên tiếng đề nghị được tiếp cận nguồn vaccine từ Mỹ. Nhưng đến thời điểm này mới chỉ có Mexico và Canada nhận được tổng số 4,5 triệu liều. Mặc dù Washington tuyên bố sẽ phối hợp với cơ chế COVAX triển khai kế hoạch dựa trên khoa học và nhu cầu, không có sự ảnh hưởng chính trị, nhưng việc Mỹ thông báo kế hoạch chia sẻ vaccine với Hàn Quốc, với lượng cung cấp đủ để tiêm ngừa cho 550.000 binh sĩ Hàn Quốc, làm dấy lên đồn đoán Mỹ ưu tiên kho vaccine dư thừa cho đồng minh thân cận. Philippines, ngày 2-6, cũng đề nghị Mỹ cung cấp 3 - 5 triệu liều vaccine Covid-19 trong tổng số 80 triệu liều, vì theo báo giới Mỹ, quyết định tỷ lệ cụ thể về quyên góp, phân bổ vaccine qua các kênh, và con số này có thể sẽ có thay đổi vào phút chót.  

Trớ trêu thay, trong khi các nước nghèo đang loay hoay xoay xở với nguồn vaccine thì các nước giàu đang lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho các tình huống dịch xảy ra trong tương lai, bằng việc đẩy mạnh năng lực tự sản xuất vaccine. Ngày 2-6, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ trao các hợp đồng cho các công ty phù hợp. Đổi lại, các công ty cần phải cam kết xây dựng, cung cấp và duy trì năng lực sản xuất của mình. Theo tài liệu của Chính phủ Đức, cần phải đảm bảo năng lực sản xuất hàng năm khoảng 2 tỷ liều vaccine trong Liên minh châu Âu để có thể tiêm đủ liều 2 mũi cho người dân châu Âu, cũng như có đóng góp lượng vaccine đáng kể cho thế giới.

Tin cùng chuyên mục