Chia sẻ từ các tác giả đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019

Các tác giả đoạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM - 2019 tin rằng, giải thưởng này là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu ứng dụng tiếp theo, cũng như là tiền đề cho các hoạt động đổi mới sáng tạo của TPHCM.

Tối 6-6, TPHCM đã tổ chức buổi lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019 (giải thưởng lần thứ Nhất).

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM. Cùng dự còn có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

Chia sẻ từ các tác giả đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019 ảnh 1 Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ Nhất diễn ra long trọng vào tối 6-6-2019. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo quy chế, Giải thưởng Sáng tạo TPHCM trên 7 lĩnh vực và mỗi lĩnh vực đều có cơ cấu giải Nhất, giải Nhì, giải Ba. Tuy nhiên, Ban Tổ chức chọn ra 4 giải Nhất (thay vì 7 giải), 15 giải Nhì và 25 giải Ba.

Các công trình đoạt Giải nhất gồm:

1. Công trình: “Quy trình báo động đỏ cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch”, của các tác giả: ThS-BS Đào Trung Hiếu, PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng; TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, ThS-BS Đỗ Văn Niệm, đều thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1. Công trình thuộc lĩnh vực (kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh). 

2. Vở diễn “Dấu xưa”, của ông Nguyễn Thanh Bình và đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, do Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ dựng. Công trình thuộc lĩnh vực 2 (văn hóa - nghệ thuật).

3. Công trình: “Keo thông minh trong điều trị lành thương”, của TS Nguyễn Thị Hiệp, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Công trình thuộc lĩnh vực 7 (khoa học cơ bản).

4. Công trình: “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao và các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường từ các loại lương thực của Việt Nam”. Tác giả là PGS-TS Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Công trình cũng thuộc lĩnh vực 7 (khoa học cơ bản). 


Các tác giả đoạt giải Nhất đã có những chia sẻ với PV Báo SGGP về phần thưởng này:

* PGS-TS PHẠM VĂN HÙNG: Tiền đề quan trọng cho hoạt đng đổi mới sáng tạo

PV: Cơ duyên nào dẫn đến ý tưởng nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất hai loại sản phẩm có tính mới trong nước và quốc tế như trên, thưa PGS ?

PGS-TS PHẠM VĂN HÙNG: Thực tế, hiện nay có rất nhiều người bị bệnh tiểu đường và béo phì, trong đó cũng có những người thân quen mắc loại bệnh này.

Đối với người bệnh, việc ăn các sản phẩm giàu tinh bột là không thể. Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm đều có chứa nhiều tinh bột. Lâu nay có các nghiên cứu bổ sung thêm chất xơ vào sản phẩm để giảm lượng đường huyết nhưng làm chất lượng cảm quan của sản phẩm giảm đáng kể. Người bệnh không thấy ngon miệng khi dùng các sản phẩm này.

Ngoài ra, tinh bột lại là thành phần quan trọng tạo nên cấu trúc thực phẩm. Điều này khiến tôi suy nghĩ về tìm cách biến đổi cấu trúc của tinh bột trong các sản phẩm để tinh bột kháng lại các enzyme tiêu hóa và như thế sẽ không sinh ra đường sau khi ăn. Từ ý tưởng đó, tôi bắt tay thực hiên các thí nghiệm để tìm ra cơ chế kháng tiêu hóa của các loại tinh bột có trong các sản phẩm thực phẩm.

Chia sẻ từ các tác giả đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019 ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao Giải thưởng Sáng tạo cho công trình thuộc lĩnh vực cơ bản - “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao và các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường từ các loại lương thực của Việt Nam”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ khi có ý tưởng đến khi nghiên cứu, hoàn thiện quy trình đã có những thuận lợi, trở ngại gì, thưa PGS?

PGS-TS PHẠM VĂN HÙNG: Từ khi có ý tưởng nghiên cứu sản xuất ra một loại thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường, giai đoạn quan trọng nhất là viết đề cương để xin kinh phí nghiên cứu.

Rất may mắn khi trong giai đoạn đầu tiên để thực hiện các nghiên cứu, Quỹ Nafosted ra đời. Đây là quỹ tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản để các nhà khoa học có thể thực hiện các nghiên cứu từ các ý tưởng của mình. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã được Quỹ Nafosted tài trợ từ năm 2010 về hướng nghiên cứu này.

Sau khi có kinh phí, khó khăn tiếp theo là phải làm rất nhiều thí nghiệm để tìm ra phương pháp tối ưu nhất để tăng hàm lượng tinh bột kháng tiêu hóa trong sản phẩm.

Trong khoa học để biến các ý tưởng thành hiện thực là không dễ dàng. Do đó, quá trình thí nghiệm cũng nhiều lần thất bại và cho ra kết quả không như mong muốn.

Như thế, nhiều lần làm thí nghiệm hàng tháng trời nhưng rồi phải quay lại làm từ đầu. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng chúng tôi đã thành công trong việc tìm ra cơ chế kháng tiêu hóa của tinh bột cũng như tìm ra được nguồn nguyên liệu có thể sử dụng để sản xuất với giá thành rẻ.

Hiện nay, các sản phẩm của chúng tôi đã đạt được mức độ sinh đường thấp với chất lượng cảm quan tốt và giá thành rẻ.

Những ý nghĩa, giá trị mang lại từ kết quả công trình nàylà gì, thưa PGS?

PGS-TS PHẠM VĂN HÙNG: Công trình nghiên cứu cơ bản này được thực hiện với 2 mục tiêu chính gồm:

Thứ nhất, nghiên cứu phát triển các phương pháp mới tạo ra các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao từ các loại lương thực chính của Việt Nam gồm gạo, khoai lang, khoai tây và sắn.

Thứ hai, nghiên cứu các quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp gồm bánh mì, bánh bích quy và mì sợi sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường.

Hiện nay, các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, ung thư đang ngày càng phát triển cả ở Việt Nam và trên thế giới. Ở Việt Nam, gần đây, số người mắc bệnh thừa cân, béo phì và tiểu đường tăng lên đáng kể, nhất là lứa tuổi học sinh. Do đó, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp nhằm phòng chống các bệnh béo phì và tiểu đường là rất quan trọng và cần thiết.

Việt Nam là một nước nông nghiệp với sản phẩm chủ đạo hiện nay là lúa gạo (có 90% khối lượng là tinh bột). Cùng đó là thói quen ăn cơm hằng ngày ngày của đa số người Việt Nam. Việc tiêu thụ một lượng lớn tinh bột dễ gây lên các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường và đặc biệt không cho phép đối với người bị bệnh tiểu đường.

Các sản phẩm thực phẩm của chúng tôi không kiêng cử với người béo phì, tiểu đường hay người ăn kiêng.

Vì vậy, kết quả nghiên cứu này có khả năng ứng dụng thực tiễn rất lớn. Các nghiên cứu này cũng là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng dùng phòng chống các bệnh mãn tính.

. Từ việc nghiên cứu thành công đến việc được ghi nhận và tôn vinh, PGS có những chia sẻ, gửi gắm gì về việc phát huy các ý nghĩa của công trình tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM được đánh giá cao?

PGS-TS PHẠM VĂN HÙNG: Tôi xin chân thành cám ơn lãnh đạo TPHCM cũng như Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019 đã trao giải cho tôi.

Đây thực sự là một giải thưởng có ý nghĩa với các nhà khoa học, các đơn vị đạt giải thưởng. Bởi vì, giải thưởng này là sự ghi nhận công sức, cống hiến của các tập thể, cá nhân đối với thành phố thân yêu. Các công trình nghiên cứu cơ bản sẽ là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu ứng dụng tiếp theo cũng như là tiền đề cho các hoạt động đổi mới sáng tạo của thành phố.

Ngoài ra, tôi cũng mong các công trình đạt giải sẽ tiếp tục được đầu tư nghiên cứu để có thể tạo ra các sản phẩm cụ thể. Việc này nhằm biến những ý tưởng của các nhà khoa học thành hiện thực và góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam nói chung và của TPHCM nói riêng.

. Xin cám ơn PGS!


TS NGUYỄN THỊ HIỆP,Trưởng Bộ môn Kỹ thuật sinh, Trường Đại học Quốc tếĐại học Quốc gia TPHCM:  Động lực giúp nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao Giải thưởng Sáng tạo cho công trình thuộc lĩnh vực cơ bản - “Keo thông minh trong điều trị lành thương”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tôi cảm thấy rất vinh dự, vui mừng và phấn khởi khi công trình "Keo thông minh trong điều trị lành thương được trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Keo thông minh có thể “dán” vết thương, làm lành nhanh vết thương trong vòng một phút. Phương pháp này mang tới cơ hội trị thương nhanh chóng cho những người dân ở xa bệnh viện.

Công trình được trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM là động lực giúp tôi cùng cộng sự tiếp tục phát triển loại keo này để tiêm khớp gối, hoặc tải tế bào gốc, tái tạo mô cho những bệnh nhân ung thư; kết hợp với các đơn vị để đưa ra thị trường sản phẩm keo thông minh trị lành thương hoàn toàn của người Việt Nam.

Đây cũng là động lực giúp các nhà khoa học như chúng tôi đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nói riêng và sáng tạo ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nói chung. 


* TS-BS NGÔ NGỌC QUANG MINH, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM: Niềm vui nhân đôi vì lan tỏa giải pháp cứu người bệnh  

Ban Giám đốc và tập thể bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM rất vui khi quy trình “Báo động đỏ cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch” được trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần đầu tiên được tổ chức.

Đây không chỉ là phần thưởng mà điều quan trọng là qua giải thưởng, công trình tiếp tục lan tỏa, được nhiều bệnh viện, nhiều người biết tới giải pháp hữu hiệu cho những trường hợp nguy kịch cần phối hợp cùng lúc nhiều chuyên khoa.

Từ năm 2016, quy trình báo động đỏ nội viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 được Sở Y tế nhân rộng trên toàn TPHCM, thành báo động đỏ liên viện. Cũng từ năm 2016, Bộ Y tế bổ sung quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện vào bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (tiêu chí A1.4), xem đây là một trong những tiêu chí chất lượng bắt buộc trong cấp cứu người bệnh mà các bệnh viện trong cả nước cần phải đạt được.

Thông qua Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, quy trình báo động đỏ tiếp tục được lan tỏa và tôi hy vọng được nhiều hơn các bệnh viện trong cả nước áp dụng, để mang tới cơ hội cứu sống các bệnh nhân nguy kịch.

Nhân đây, tập thể Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cảm ơn ban tổ chức giải thưởng và gửi lời cảm ơn tới PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 và là “cha đẻ” của quy trình báo động đỏ vào năm 2008.


NSƯT TRẦN MINH NGỌC, Đạo diễn vở kịch "Dấu xưa": Tiếp thêm sức mạnh hành trình sáng tạo

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Giải thưởng Sáng tạo cho công trình thuộc lĩnh vực 2 - Vở diễn "Dấu xưa". Ảnh: VIỆT DŨNG
Khi nhận tin vở kịch “Dấu xưa” đoạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, không chỉ riêng tôi, mà các tác giả, diễn viên đều rất vui.

Chúng tôi cảm nhận rõ rằng, khi làm điều gì thật nghiêm túc, xuất phát từ ý định tốt đẹp và làm bằng cả sự nỗ lực phấn đấu, thì được sự ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng của xã hội.

Vở kịch này đã được lưu diễn mấy chục lần, phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, các trường học. Đó là thành công bước đầu.

Vở kịch giúp khán giả liên tưởng đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội hiện nay. Đặc biệt, hình ảnh Bác Hồ trong vở kịch rất gần gũi, dung dị, khơi gợi thật nhiều tình cảm, lòng kính yêu Bác Hồ trong người xem.

Đó cũng là dấu ấn của vở kịch, có được dấu ấn ở chính người xem khi thái độ xem, cách thưởng thức tác phẩm đều rất trân trọng, trọn vẹn.

Ngoài ra, sự ghi nhận của Giải thưởng Sáng tạo TPHCM tiếp thêm sức mạnh cho anh em nghệ sĩ chúng tôi trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Chúng tôi nói vui là được giải thưởng “kép”, không chỉ được giải thưởng, mà còn chọn được cách tiếp cận khán giả phù hợp. Đó là thành công lớn.

Tin cùng chuyên mục