Chia sẻ trách nhiệm gánh vác người tị nạn

Liên hiệp quốc (LHQ) kêu gọi các nước chia sẻ trách nhiệm chung trong việc chăm sóc số lượng người tị nạn ngày càng tăng, trong khi các quốc gia giàu có phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã thiếu trách nhiệm. Đây là nội dung chính trong 2 ngày (17 và 18-12) diễn ra Diễn đàn Tị nạn toàn cầu (GRF).
Một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ
Một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ

Gánh nặng người tị nạn

Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres khai mạc GRF tại Geneva với lời kêu gọi phản ứng công bằng hơn đối với các cuộc khủng hoảng tị nạn. Theo ông, thế giới nợ tất cả các quốc gia và cộng đồng đã tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn. Chỉ có “lòng biết ơn thì không đủ” mà “cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn nữa để gánh vác trách nhiệm này cùng nhau”.

GRF diễn ra đúng một năm sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua khuôn khổ nhằm tạo ra một cách tiếp cận công bằng cũng như cung cấp hỗ trợ cần thiết cho những nước và các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn. Theo CNA, cuộc họp quy tụ các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức nhân đạo và người tị nạn. 80% số người tị nạn trên thế giới sống ở các nước nghèo và đang phát triển.

Ông Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nước tiếp nhận người tị nạn lớn nhất thế giới, đã thúc giục các quốc gia giàu có tiếp nhận người tị nạn nhiều hơn. Vào cuối năm 2018, gần 71 triệu người đã phải tìm cách tị nạn ở nước khác để lánh nạn chiến tranh, bạo lực…

Ông Erdogan nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 5 triệu người tị nạn, gồm khoảng 3,7 triệu người Syria và đã chi khoảng 4 tỷ USD lo cho họ ăn ở. Theo ông, các quốc gia giàu có đã đặt ra hạn ngạch chỉ chấp nhận “những con số nhỏ” trong số rất lớn người tị nạn và phần lớn đã không thực hiện được cam kết hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan chỉ trích các nước châu Âu đã sử dụng “phương pháp đáng xấu hổ” như dựng hàng rào dây thép gai buộc người tị nạn rời đi.

Trách nhiệm của các nước giàu

Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia khác tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết hơn. “Chúng tôi cần sự giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu không, chúng tôi sẽ thất bại”, Tổng thống Costa Rico Carlos Alvarado Quesasda nói tại GRF. Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan tị nạn LHQ Filippo Grandi đã ca ngợi các quốc gia ở những khu vực bị ảnh hưởng khủng hoảng di cư vì phần lớn các nước này tiếp tục cưu mang người tị nạn. “Tuy nhiên, lòng hiếu khách của những quốc gia tiếp nhận người tị nạn thường bị lu mờ bởi dư luận chỉ chú ý đến tình hình khủng hoảng ở chính những nơi người tị nạn xuất phát”. 

Tại GRF, đã có hơn 700 cam kết từ các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp, bao gồm cả tài trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và vật chất, thay đổi chính sách và pháp lý nhằm giúp chăm lo tốt hơn cho người tị nạn. Hơn thế nữa, còn có các chương trình giáo dục và dạy nghề cho người tị nạn. LHQ hy vọng sẽ có thêm các điểm tái định cư ở những nước thứ ba cho những người tị nạn dễ bị tổn thương hoặc đảm bảo họ được an toàn khi trở về nơi xuất phát.

Theo ông Guterres: “Không thể có khái niệm chia sẻ gánh nặng dựa trên ý tưởng các nước đang phát triển giữ người tị nạn và các nước phát triển hỗ trợ tài chính. Các nước giàu cũng có nghĩa vụ mở cửa biên giới cho những người xin tị nạn và đối xử công bằng với đòi hỏi của họ”. Tương tự, ông Daniel Sriskandarajah, người đứng đầu Tổ chức từ thiện Oxfam, cho biết: “Hàng triệu người tị nạn dễ bị tổn thương có nguy cơ hoặc bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng vì nhiều quốc gia đùn đẩy trách nhiệm trong việc tiếp nhận”.

Tin cùng chuyên mục