Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chống tham nhũng, quản trị công, các chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; về lãnh đạo, thay đổi và quản lý công; đầu tư công; thực hiện và đánh giá chính sách. 

Ngày 3-11, Học viện Chính trị Khu vực II phối hợp với Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Lãnh đạo học và Chính sách công với chủ đề “Phục hồi sau đại dịch Covid-19 với định hướng từ các chính sách quản trị công”.

Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công ảnh 1 Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, gần 3 năm đã trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động rất lớn đến các hoạt động thương mại, đầu tư của các nước trên thế giới.
Giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia gây ra suy giảm giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, kèm theo đó là thu nhập giảm, tiêu dùng giảm và hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ. Cấu trúc sản xuất toàn cầu mang tính tập trung cao độ, một số trung tâm lớn trên thế giới cung ứng đầu vào, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng đã kéo theo nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động. 

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, trước bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.  Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Đó là, mô hình tăng trưởng kinh tế còn chủ yếu theo chiều rộng, quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng còn chậm. Tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư trong đó có đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở nhưng có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào biến động kinh tế thế giới; năng suất, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, nền kinh tế sử dụng công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu dẫn đến dễ bị tổn thương khi xảy ra các biến cố từ bên ngoài, trong đó có dịch bệnh...

Theo báo cáo PAPI 2021, đại dịch Covid-19 trong những năm qua đã tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động trong quản trị và hành chính công các cấp ở Việt Nam. 

Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công ảnh 2 Các đại biểu nêu ý kiến tại hội thảo
Xuất phát từ tính cấp thiết trên, hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh các chủ đề chính: mua sắm công; hoạch định và quản lý chiến lược trong hành chính công; chống tham nhũng; quản trị và hành chính công; các chính sách kinh tế nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Các đại biểu cũng thảo luận các chủ đề về lãnh đạo, thay đổi và quản lý công; đầu tư công (mua sắm công và quan hệ đối tác công – tư); thực hiện và đánh giá chính sách.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận chung của Giáo sư Stéphane Saussier (Đại học Paris I Panthéon – Sorbonne, Pháp) trình bày chủ đề về “Mua sắm công: quan điểm của một nhà kinh tế”, và Phó Giáo sư Bert George (Đại học TP Hồng Kông) trình bày chủ đề về “Hoạch định và Quản lý chiến lược trong hành chính công”. 

Ngoài ra, hội thảo được nghe 36 bài tham luận được chia thành 9 phiên song song, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, giải pháp về hàng loạt các vấn đề quan trọng, cấp thiết trong lãnh đạo học và chính sách công.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, các bài tham luận, ý kiến phát biểu đưa ra được nhiều kinh nghiệm và đề xuất giải pháp đối với các lĩnh vực, nội dung đang được quan tâm hiện nay như đấu thầu, mua sắm công, về quản lý công và các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng.

PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh khẳng định, các kinh nghiệm, giải pháp từ các nước trên thế giới là cơ sở để đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Chính trị Khu vực II và các trường chính trị khu vực phía Nam tham khảo, vận dụng vào công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn. 

Tin cùng chuyên mục