Chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xuất hàng hóa vào CPTPP

Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực đúng một năm rưỡi nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vẫn còn bỡ ngỡ với nhiều chính sách, lợi thế mà hiệp định này mang lại. Vì thế, sáng nay 9-7, Bộ Công thương đã tổ chức tập huấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp về vấn đề này. 

Sáng 9-7 tại Hà Nội, Bộ Công thương khai mạc hội nghị tập huấn chuyên sâu về cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Đây là một sự kiện trong chuỗi hoạt động nằm trong kế hoạch thực thi Hiệp định CPTPP năm 2020 của Bộ Công thương để phổ biến, tuyên truyền về các cam kết của Hiệp định CPTPP cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. 

Hội nghị trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang các nước là thành viên CPTPP

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, xác định khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập mà Hiệp định CPTPP mang lại, từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực và hiệu quả, định hướng giải pháp tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức, thúc đẩy xuất khẩu nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của các địa phương.

Các phiên được tổ chức trong ngày 9-7 tập trung vào các nội dung liên quan đến tổng quan thuế xuất nhập khẩu, hướng dẫn thực hành tra cứu và thực thi cam kết thuế xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, cam kết hải quan để được áp dụng thuế ưu đãi của Hiệp định CPTPP. 

Đối thoại để giúp doanh nghiệp hiểu rõ các thủ tục, chính sách khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước là thành viên CPTPP

Hội nghị đã giúp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp thông qua giải đáp những tình huống thực tế mà các doanh nghiệp hiện đang gặp phải, khi có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang các nước là thành viên CPTPP. 

Ngày 10-7, hội nghị này sẽ tiếp tục giới thiệu các nội dung liên quan đến dịch vụ - đầu tư, trong đó tập trung vào các nghĩa vụ, nguyên tắc cơ bản về mở cửa cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đối với dịch vụ - đầu tư, cam kết liên quan tới khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hướng dẫn cấu trúc, cách đọc hiểu và tra cứu cam kết dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định CPTPP. 

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm - triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 với 35 cục hải quan tỉnh, thành phố trên cả nước vào chiều hôm qua (8-7), Tổng cục Hải quan cho biết, nhờ thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, trong 6 tháng qua, tổng số C/O (chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa) mà Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 234.953 bộ, còn tổng số C/O mà Việt Nam gửi sang các nước là 424.270 bộ. Việt Nam cũng đã kết nối với đối tác ngoài ASEAN để thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu; đàm phán chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; chứng nhận xuất xứ điện tử với Hàn Quốc; chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zealand. 

Tin cùng chuyên mục