Chia sẻ khó khăn trong thời dịch bệnh

Thị trường giao nhận hàng hóa tại TPHCM đang vận hành trong bối cảnh không bình thường. 

“Cung” là lực lượng giao nhận hàng hóa (shipper) do phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch đang bị khống chế số lượng. Chỉ những người đủ điều kiện về phòng dịch như đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19…, được doanh nghiệp quản lý lập danh sách gửi Sở Công thương TPHCM thống nhất cấp phép, mới được hoạt động. 

Theo Sở Công thương TPHCM, ở giai đoạn bình thường, toàn TPHCM có khoảng 170.000 shipper nói chung (vận chuyển hàng hóa và người) nhưng tính đến ngày 18-9, tổng số lượng shipper được phép hoạt động chỉ hơn 24.000 người. Không chỉ các shipper công nghệ mà cả lực lượng giao nhận hàng của các doanh nghiệp bán hàng, siêu thị cũng bị quản chặt số lượng. Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được phép hoạt động khoảng 50%/tổng số nhân viên. Nhiều cửa hàng nhỏ đã phải dừng việc thực hiện dịch vụ giao hàng do nhân lực vận chuyển của đơn vị không thể đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch. Chưa kể, một số lượng lớn “xe ôm” giao hàng không trực thuộc doanh nghiệp quản lý vận tải hay cung ứng dịch vụ công nghệ nào, không có đầu mối quản lý nên cũng không được phép hoạt động. 
Trong khi đó, nhu cầu mua hàng, giao hàng của khoảng 10 triệu dân TPHCM (trừ một lượng lớn lao động đã về quê tránh dịch) là rất lớn. TP đã tổ chức nhiều hình thức như đi chợ giúp, đặt mua hàng combo…, nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu này. Chính vì vậy, giá cước giao hàng đang tăng cao kỷ lục, gấp 4-5 lần so với trước đây. Một bạn đọc của Báo SGGP cho hay, ngày 19-9 vừa qua, người này đặt mua 2kg bún, quãng đường từ nơi bán bún tới nơi nhận chỉ khoảng 5km nhưng giá cước vận chuyển lên đến 200.000 đồng.
Việc khống chế số lượng shipper ra đường là cần thiết để TPHCM có thể hạn chế và tiến tới kiểm soát dịch bệnh. Thế nhưng, khi thị trường giao nhận hàng hóa hoạt động bất thường trong bối cảnh cung khan hiếm và cầu tăng cao, nhiều chuyên gia về kinh tế và vận tải cho rằng, lúc này rất cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng để xử lý những vấn đề phát sinh mà điển hình là tình trạng phí vận chuyển quá cao.
Hiện nay, theo các quy định của pháp luật về giá, phí, lệ phí…, giá cước vận tải do doanh nghiệp tự xây dựng, công khai với khách hàng và báo cáo với ngành chức năng. Ngành chức năng có nhiệm vụ kiểm tra doanh nghiệp vận tải có thực hiện đúng cam kết về giá với khách hàng hay không. Và trong nhiều trường hợp như lễ, tết…, ngành chức năng còn có chức trách giám sát doanh nghiệp vận tải có tăng giá bất hợp lý hay không. Như vậy, có thể nói Sở Công thương, Sở GTVT và các sở ngành liên quan hoàn toàn có quyền xem xét, thẩm định và đưa ra khuyến cáo hợp tình, hợp lý về giá cước vận tải đối với doanh nghiệp vận tải cũng như doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công nghệ kết nối với khách hàng. Các doanh nghiệp này đang “chia phần trăm” phí vận chuyển với shipper và họ có thể giảm phần chia này để chia sẻ khó khăn với người dân - khách hàng của họ, vốn đa phần đã “kiệt sức” vì dịch bệnh.
Còn về phía shipper, khách quan, phải “ra đường” đi làm trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp là một việc rất nguy hiểm. Chưa kể, nhiều tuyến đường còn bị hạn chế đi lại do dịch bệnh làm cho chi phí xăng, dầu của shipper tăng lên. Tuy nhiên, cũng phải nói, lực lượng shipper đã và đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoàn toàn chi phí xét nghiệm Covid-19. Đây là khoản tiền không nhỏ. Vì thế, họ cũng nên có trách nhiệm chia sẻ lại với khách hàng. 
Trong đại dịch, mọi người từ doanh nghiệp tới người làm công, người nội trợ… đều gặp khó. Chính vì vậy, mọi người nên chia sẻ khó khăn với nhau. Có như vậy, chúng ta mới có thể cùng nhau vượt qua đại dịch. 

Tin cùng chuyên mục