Chia sẻ cùng công chức

Theo đánh giá, năng suất làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở TPHCM cao gấp 1,5 lần so với cả nước. Tuy nhiên, trước áp lực công việc nặng nề, nhiều người phải làm thêm giờ, “tăng ca” và gồng mình để hoàn thành nhiệm vụ. 

Với nhiều lý do, chất xám trong cơ quan nhà nước đang bị “chảy máu” vô hình hay hữu hình ra bên ngoài. Chính vì thế, cùng với chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào cơ quan nhà nước, cần phải có giải pháp giữ chân người giỏi.

Ở một thành phố đông dân nhất nước, có quận trên 700.000 dân, có phường trên 100.000 dân, áp lực công việc ở những nơi này không hề nhỏ. Để tiện cho dân, hầu hết các phường, xã của thành phố đều tổ chức làm thêm ngoài giờ mà không có chế độ thù lao. Nhưng áp lực còn do hội họp, thủ tục giấy tờ chưa giảm được bao nhiêu. Nếu họp nhiều thì cán bộ công chức phải xử lý hồ sơ ngoài giờ nhiều. Nguyên nhân sâu xa của họp nhiều là do việc phân định trách nhiệm không rõ ràng, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp. Mặt khác, công chức còn bị quy trách nhiệm trong trường hợp tổ chức và người dân chưa thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.

Bài toán về thu nhập cũng đang là vấn đề đặt ra. Lương của một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức giờ đây còn thấp hơn người lao động trong doanh nghiệp, thậm chí còn thấp hơn người lao động giản đơn, còn chật vật trong việc trang trải cuộc sống gia đình. Không ít người quyết định chuyển ra ngoài trong khi đang là chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, xã; có người đang ở trong diện quy hoạch, có trình độ đại học, trên đại học.

Sự liên thông của cán bộ các cấp, các ngành còn bất cập, đầu ra của cán bộ cơ sở gặp khó khăn, không ít trường hợp làm việc ở phường, xã gần như cả đời. Có người cho rằng, công chức ở phường, xã như “nửa công chức” vì muốn lên trên thì phải thi tuyển công chức. Đó là chưa kể số cán bộ không chuyên trách làm việc như công chức mà phải hưởng chế độ không chuyên trách, với mức phụ cấp cố định, cả đời.

Trong thực tế, có nhiều những quy định quá cứng, ranh giới giữa năng động sáng tạo và cố ý làm trái trong nhiều trường hợp rất mong manh. Nhiều người bị bắt lỗi, bị quy trách nhiệm và xử lý nên tạo tâm lý sợ sai trong hành xử công việc. Nhiều cán bộ bên dưới muốn bỏ bớt thủ tục hành chính rườm rà cũng không làm được bởi phần lớn các thủ tục đều do cấp trên quy định. Việc đánh giá cán bộ còn là khâu yếu và không ít cán bộ lãnh đạo chưa làm tốt sự nêu gương nên đã ảnh hưởng đến lòng tin, sự khát khao phấn đấu vươn lên của cán bộ công chức, viên chức.

Đã có nhiều chủ trương, chính sách giải quyết những vấn đề nói trên, trong đó các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, về cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội… đã nêu rõ định hướng và lộ trình thực hiện. Đối với TPHCM, theo tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức do thành phố quản lý. Theo đó, việc chi tăng thêm sẽ trên cơ sở đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc. Đó là những chính sách được kỳ vọng tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải cải cách mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa, nhất là chế độ trách nhiệm phải rõ ràng. Cần mạnh dạn giao trách nhiệm gắn với giao quyền và có sự kiểm soát để không lạm quyền. Việc sát hạch công chức, thi tuyển các chức danh cạnh tranh lành mạnh, công khai… cần được xem xét thực hiện tạo động lực phấn đấu và cảm giác công bằng. Tất cả góp phần tạo nên môi trường làm việc đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, tạo nên đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ, mẫn cán, tự nguyện gắn bó cả đời với công việc phục vụ nhân dân.

Tin cùng chuyên mục