Chia lửa cùng thành phố - Bài 2: Trở lại tuyến đầu

Khi TPHCM dốc toàn lực vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, các y bác sĩ (BS) đã về hưu xung phong quay lại “chia lửa” cùng đồng nghiệp nơi tuyến đầu. Không chỉ là hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mà với họ, đã khoác áo blouse trắng thì suốt đời có trách nhiệm với chuyện cứu người.

1. Tại điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Trường THCS Lê Anh Xuân (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), trong khâu khám sàng lọc, đo huyết áp, người quen mấy cũng khó nhận ra BS Phạm Biên - một BS đã 71 tuổi, qua bộ đồ bảo hộ và khẩu trang kín mít.

Chiều 24-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có thư kêu gọi các y BS chung tay chống dịch, BS Phạm Biên liền đăng ký trực tuyến. Ông kể lại: “Trong danh sách đăng ký, tôi ở vị trí 149 đó nha! Đọc trên báo thấy thư kêu gọi của Thứ trưởng thì chung tay liền thôi, mình còn khỏe, có chuyên môn y tế, lúc này thành phố cần, phải sẵn sàng chứ chần chừ gì nữa”. Dù sức khỏe còn tốt, nhưng khi BS Phạm Biên đăng ký trở lại tuyến đầu vẫn khiến cả gia đình lo lắng.

“Lúc đầu, người nhà không chịu, rồi tôi thuyết phục mọi người: Mình có chuyên môn y tế, cẩn trọng trong mọi việc và làm việc vừa sức mình, không có lo lắng gì hết. Việc lớn hay việc nhỏ, lúc này, đỡ được việc nào là phải làm ngay”, BS Phạm Biên tâm sự.

Một ngày của BS Biên bắt đầu từ 7 giờ 30, nghỉ ngơi và ăn trưa tại điểm tiêm vaccine, đến 17 giờ 30 gần như xong công việc. Từng là bác sĩ và công tác tại 3 bệnh viện ở TPHCM là Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Bình Dân, Viện Y dược học dân tộc, nhưng hiện tại, ông chỉ khoát tay, cười: “Hãy gọi tôi như một tình nguyện viên tham gia chống dịch. Mọi người ở đây có dặn tôi, là hôm nào khỏe thì tham gia, mệt thì nghỉ. Y BS là lực lượng ở tuyến đầu kìa, họ làm việc ngày đêm có nghỉ ngơi gì đâu”.

Trò chuyện với ông trong một ngày ông xin tạm nghỉ để chăm sóc bác gái và hai đứa cháu ở nhà, rỉ rả nói về lý do đăng ký trở lại tuyến đầu lần này, BS Phạm Biên chia sẻ: “Nói là trở lại tuyến đầu, chứ phần việc của tôi cũng chỉ ở khu vực khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vaccine. Tôi mong muốn tham gia để động viên và chia sẻ một chút cùng đồng nghiệp trẻ và nhất là các đoàn y BS từ miền Bắc, miền Trung vào Nam tham gia chống dịch lần này. Tôi đi làm rồi chiều về nhà, chứ họ xa gia đình, xa con cái rồi trực tiếp ở những khu điều trị, bệnh viện dã chiến suốt mấy tháng qua, mà đâu có nề hà. Nghĩ mà thương quá chừng!”.

Khoác áo ngành y từ những năm tháng đất nước còn bom đạn, BS Phạm Biên kể: “Hồi năm 1969, tôi vượt Trường Sơn vào Nam, lúc đó tôi là y sĩ, đi ngày đi đêm chỉ mong ngày giải phóng. Bây giờ, có đội ngũ y BS đi vào tâm dịch, mong ngày cùng thành phố vượt qua khó khăn, thì lẽ nào mình còn khỏe mà làm ngơ, không tham gia cùng mọi người. Mình là BS mà, làm sao quên trách nhiệm cứu người được”.

Sau những câu chuyện của mình, ông lại cười: “Sáng nay, đọc tin mừng quá cháu ơi, số ca F0 có vẻ chững lại rồi, mong thành phố sớm kiểm soát được dịch”. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, BS Biên khẽ dặn: “Các tình nguyện viên trẻ, đội ngũ y BS tuyến đầu, họ xứng đáng được ghi nhận đó cháu, còn tôi già rồi, làm được chút gì thì làm thôi…”.

2. Cách đây chưa lâu, một đoạn video ghi lại hình ảnh người BS hướng dẫn các trường hợp F0 tập thở được nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội. Cộng đồng mạng bày tỏ xúc động bởi sự tận tâm của đội ngũ y tế tuyến đầu và trân quý hơn khi biết đó là sự tận tâm của một BS đã về hưu. Rời đơn vị công tác Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, BS Trần Văn Thành mở phòng khám riêng.

Sau khi đọc thư kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ông đăng ký trở lại tuyến đầu hỗ trợ các đồng nghiệp trẻ. BS Thành biết rằng, ngày công tác đã có nhưng ngày về chưa định rõ, bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Gia đình lo lắng, bác sĩ Thành động viên: “Lúc này, không tham gia thì day dứt lắm”.

Trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19 ở TPHCM, khu cách ly, thu dung điều trị Covid-19 tại Trường THCS thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi được xem như tầng 1. Ngoài công việc theo dõi sức khỏe và điều trị cho F0, BS Thành trăn trở nhất là tâm lý bệnh nhân: “Có người lo lắng rồi bỏ ăn cả tuần, có người sợ cứ đòi về nhà, những lúc như vậy, ngoài chuyện điều trị phải động viên bệnh nhân. Tâm lý lúc này quan trọng lắm, phải tìm cách trò chuyện, thuyết phục để mọi người giữ được bình tĩnh, không hoang mang, sợ hãi thì quá trình điều trị mới nhanh chóng phục hồi được”.

Chia lửa cùng thành phố - Bài 2: Trở lại tuyến đầu ảnh 1 Bác sĩ Trần Văn Thành (thứ tư từ trái sang) cùng đội ngũ y bác sĩ làm việc ở khu cách ly, thu dung điều trị Covid-19 tại Trường THCS thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một ngày 2 lần thăm khám bệnh nhân, hướng dẫn những bài tập thở, xử lý cấp cứu, theo dõi sức khoẻ để chuyển những ca bệnh có dấu hiệu chuyển nặng kịp thời đến các tầng cao hơn và điều phối hoạt động chung để bảo đảm an toàn cho ê kíp cùng làm việc…

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi, BS Thành mới kể câu chuyện của mình: “Tôi nghỉ hưu từ năm 2017 và tập trung vào phòng khám tư, nên chuyên môn y tế vẫn đều đặn, khi đăng ký tham gia cũng không có lo lắng gì. Điều tôi quan tâm lúc này là sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân”.

Có những ngày xe cấp cứu dừng lại, tiếp nhận những ca mắc Covid-19 là người già, trẻ em, BS Thành xúc động: “Nhìn bệnh nhân mà thương lắm, nhất là các cháu còn nhỏ xíu, bộ đồ bảo hộ mặc còn không vừa. Chúng tôi phải luôn miệng động viên để mọi người vững tâm, hợp tác điều trị cho tốt. Những ngày này không về nhà được, với tôi, bệnh nhân cũng là người thân vậy, còn nơi đây như mái nhà của mình…”.

3. Trở lại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy với mong muốn choàng bớt áp lực công việc cho những đồng nghiệp đã lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị Covid-19 ở TPHCM, nữ BS Nguyễn Thị Kim Tùng tâm sự: “Tôi gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy gần 30 năm và nơi này, tôi coi như đại gia đình của mình. Vai trò của tôi cũng chỉ rất nhỏ, nhưng tôi muốn đóng góp một chút công sức, để chia sẻ phần công việc ở đây, để lực lượng của Bệnh viện Chợ Rẫy còn điều phối đi nhiều nơi, hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh trong thành phố lúc này”.

Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Chợ Rẫy mùa dịch, một nữ BS về hưu quay lại và tỉ mẩn với công việc cùng các đồng nghiệp trẻ. Ngoài việc thăm khám và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân ở khoa, chị đều dành thời gian để nhắc nhở từng bệnh nhân tự bảo vệ sức khỏe của mình. Vì bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng kém, lớn tuổi và có nhiều bệnh nền kèm theo, nên rất dễ gặp biến chứng nặng nếu chẳng may mắc Covid-19.

Kết nối cùng chị trong phút nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, BS Kim Tùng chia sẻ: “Ban đầu, tôi tham gia và muốn kêu gọi nhiều đồng nghiệp khác đã về hưu cùng quay lại hỗ trợ ngành y tế lúc này. Bây giờ, nhiều y BS như tôi tham gia lắm rồi, nên ai nấy vào việc thôi, chỉ mong sao dịch bệnh qua nhanh và không để lại những hậu quả quá nặng nề”.

Và chị cũng đề nghị kết thúc nhanh buổi trò chuyện với chúng tôi để kết nối điện thoại tư vấn cho các F0, F1 đang điều trị và cách ly tại nhà. “Thôi đừng buồn nghen! Chiều nay, chị có hẹn tư vấn qua điện thoại cho F0 đang điều trị tại nhà, để người bệnh chờ lâu, tâm lý sẽ hoang mang, bất ổn thì không hay”… 

Lý do mà chị từ chối làm sao chúng tôi có thể buồn cho được, khi những y BS về hưu như các chị, các bác cùng nhiều y BS khác mà chúng tôi chưa kịp biết hết… trước tình huống cấp bách, khi đồng nghiệp cần, bệnh viện cần và người dân thành phố cần, trái tim người thầy thuốc vang lên những nhịp đập thôi thúc.

Những ngày này, PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TPHCM dường như bận rộn hơn, khi được lãnh đạo Sở Y tế giao phó nhiệm vụ phụ trách Tổng đài tư vấn 1022 nhánh số 3 để tư vấn sức khỏe liên quan Covid-19. Trung bình mỗi ngày, BS Nguyễn Thị Ngọc Dung tư vấn cho khoảng 40 cuộc gọi. BS Dung cho biết, việc đồng hành cùng các F1, F0 đang cách ly theo dõi tại nhà rất quan trọng trong bối cảnh ca mắc nhiều.

Bên cạnh các hỗ trợ y tế, kiến thức chăm sóc bản thân, khi nói chuyện với người dân, BS Dung cũng chia sẻ, động viên tinh thần để giúp bệnh nhân vững vàng, thoải mái tâm lý. “Mỗi lần giúp được một người dân vượt qua tình trạng ngặt nghèo cần trợ giúp y tế mà không thể đến bệnh viện được, chúng tôi lại thấy vui hơn, có động lực hơn để tiếp tục công việc của mình”, BS Dung chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục