“Chìa khóa vạn năng” bảo vệ môi trường

Chính phủ vừa cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung trước khi được hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 (khai mạc tháng 5 tới đây).

Luật gia Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, ông rất ngạc nhiên khi thấy Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham dự cuộc họp của Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp, bởi hội đồng này luôn do một vị thứ trưởng Bộ Tư pháp làm chủ tịch và tham dự những cuộc họp tương tự thường chỉ có cán bộ Vụ Pháp chế của cơ quan trình, hiếm khi có đến cấp thứ trưởng. Có lẽ người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng còn rất phân vân về nhiều nội dung hết sức quan trọng của dự luật này.

Một trong những vấn đề lớn, cũng là nguyên nhân làm phát sinh nhiều bức xúc xã hội thời gian qua có liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Theo TS Mai Thế Toản (Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường), hiện có quá nhiều loại hình dự án phải thực hiện ĐTM kèm theo yêu cầu về thủ tục bắt buộc thực hiện như nhau giữa các đối tượng có những tính chất tác động đến môi trường khác nhau.

Trong giai đoạn vận hành, các vấn đề môi trường của cơ sở hoàn toàn có thể thay đổi so với những nội dung trong báo cáo ĐTM ban đầu (có tính chất nghiên cứu, dự báo), nên việc coi quyết định phê duyệt và báo cáo ĐTM ban đầu là căn cứ quan trọng nhất để cơ quan quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn vận hành cũng không hợp lý. Trong khi đó, những quy định hiện hành tưởng như nghiêm khắc, lại vẫn để nhiều dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường “lọt lưới”, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường cả trước mắt và lâu dài. Ông Toản đề nghị, luật quy định về việc xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia, bao gồm việc chia không gian phát triển thành các loại vùng, như: bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế phát thải, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội…

Trên thực tế, vẫn còn hàng loạt thủ tục hành chính “hậu ĐTM”. Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành chưa có sự ràng buộc chặt chẽ các thủ tục về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng với hoạt động ĐTM, cấp giấy xác nhận, giấy phép về môi trường. Vì thế mà nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động vẫn gây ô nhiễm môi trường. Nghịch lý còn ở chỗ, có những trường hợp cùng một nội dung (như về chất lượng nước thải sau xử lý), nhưng giữa quyết định phê duyệt ĐTM, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước lại có quy định khác nhau. Quyết định phê duyệt ĐTM cho phép chất lượng nước thải sau xử lý của dự án đạt loại B, nhưng đến khi dự án thi công xây dựng và đi vào vận hành hoạt động, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước lại được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu phải xử lý nước thải đạt loại A, khiến họ rơi vào cảnh “khóc dở mếu dở”. Tương tự, đã có trường hợp trong quá trình thẩm định, phê duyệt ĐTM không yêu cầu xây dựng hồ ứng phó sự cố, song đến khi cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước mới nảy sinh yêu cầu xây dựng hồ ứng phó sự cố...

Cũng cần nói thêm rằng, một số nội dung đúng đắn trong luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Theo ông Nguyễn Minh Đức, luật quy định các nhà máy có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường phải mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại về môi trường. Thế nhưng, quá trình khảo sát của VCCI đã cho thấy, thực tế có nhiều nhà máy thuộc diện phải mua bảo hiểm nhưng chính các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng “chưa hề nghe nói đến loại bảo hiểm này”. Hay, việc dán nhãn xanh chứng tỏ sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn thân thiện với môi trường và luật quy định doanh nghiệp nào sản xuất sản phẩm được dán nhãn xanh thì được ưu đãi. Nhưng, trong suốt 10 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường, mới chỉ vỏn vẹn có 2 doanh nghiệp được dán nhãn này và gần như không được ưu đãi; số lượng sản phẩm tiêu thụ cũng không tăng, nên doanh nghiệp… chán. Nói cách khác, bên cạnh việc có một bộ luật tốt thì công tác thực thi pháp luật cũng phải làm đến nơi đến chốn, nghiêm minh và trách nhiệm.

Có nhiều người cho rằng, ĐTM chính là “chìa khóa vạn năng” cho công tác bảo vệ môi trường. Nhưng không phải. Và có lẽ không có chiếc chìa khóa vạn năng nào như vậy. Môi trường chỉ có thể “sống khỏe” với sự chung tay của toàn xã hội, không trừ một ai.

Tin cùng chuyên mục