Chìa khóa tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng nhờ tích lũy vốn và thâm dụng lao động sang tăng trưởng dựa trên công nghệ, sáng tạo rất cần sự năng động của doanh nghiệp.
Lãnh đạo TPHCM lắng nghe các doanh nghiệp hạ tầng đô thị trình bày ý kiến
Lãnh đạo TPHCM lắng nghe các doanh nghiệp hạ tầng đô thị trình bày ý kiến
 Do đó, cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp năng động được xem là chìa khóa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong những năm tới.
Để bứt phá, cải thiện năng lực cạnh tranh, TPHCM cần nỗ lực toàn diện chứ không phải chỉ một cơ quan, ban ngành hay cộng đồng doanh nghịêp. Giảm thiểu “giấy phép con”, nhũng nhiễu là khao khát, mong mỏi chung của cộng đồng doanh nghịêp. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong từng khẳng định: “Lãnh đạo TPHCM tiếp tục sẽ đồng hành kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp. Cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, an toàn, thông thoáng. Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều được bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực của TP”.
Giải pháp quan trọng hiện nay là phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch. Thời gian tới, TP nên ưu tiên triển khai nhiều nhóm dịch vụ mới; trong đó ưu tiên “số hóa” các thủ tục về cấp phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài; cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập doanh nghiệp; cấp phép lao động. Đồng thời, tập trung phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ để bảo đảm phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế, thông qua việc hình thành và tổ chức hoạt động có hiệu quả Trung tâm Nghiên cứu phân tích thông tin TPHCM để phục vụ cho phân tích thực trạng và dự báo định hướng phát triển các ngành kinh tế, xã hội…
Xây dựng cơ chế hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn TP đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các đơn vị này giải quyết các vấn đề bức xúc cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM. Cần thiết lập hệ thống phần mềm nhằm quản lý quy trình giải quyết, giám sát chặt chẽ từng công đoạn xử lý, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh và xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức tham gia.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu; tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, công nghệ cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, kết nối doanh nghiệp để tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến kinh doanh.
TPHCM đã thông qua dự án chống ngập đầu tư 10.000 tỷ đồng. Đây là động thái tốt cho tiến trình giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng cho TP. Song song đó, cần xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng và dựa vào nguồn đất công để đổi đất lấy hạ tầng. Quỹ đất trong quá trình đô thị hóa chính là “con gà đẻ trứng vàng” nhưng trước nay để thất thoát quá nhiều. TP cần mạnh dạn đề xuất Trung ương giao quyền chủ động khai thác, sử dụng tạo vốn thêm cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, việc cần thiết thực hiện liên kết vùng, xây dựng chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị gắn với phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng làm xương sống cho hệ thống giao thông của TP và tạo cấu trúc không gian đô thị thông minh, làm tiền đề để môi trường kinh doanh của TPHCM thay đổi đáng kể trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục