Chỉ Trưởng đoàn Kiểm toán được truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử

Thực tế cho thấy, nếu không có sự phối hợp tốt giữa Kiểm toán và các cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo về đối tượng, đơn vị và nội dung thanh tra, kiểm toán, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 25-10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, thực tế hiện nay, cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi khác nhau được quy định tại 2 Luật khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong khi chưa có sự phân biệt rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và đối tượng của KTNN và thanh tra nếu không có sự phối hợp tốt giữa KTNN và các cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo về đối tượng, đơn vị và nội dung thanh tra, kiểm toán, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa KTNN với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao KTNN chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo.

Về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp, UBTVQH cho rằng, theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 và năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trong quá trình sửa đổi Luật Giám định tư pháp sẽ nghiên cứu, bổ sung hợp lý nội dung này nếu cần thiết. Vì vậy, không bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN vào Dự thảo luật.

Về bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và xử lý vi phạm hành chính, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo đã trao cho KTNN thẩm quyền ban hành VBQPPL, quyền xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của KTNN. Tuy nhiên, Luật này chỉ quy định thẩm quyền của KTNN còn quy định về hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính… sẽ được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.

Đáng lưu ý, liên quan đến đề nghị bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, UBTVQH nhận thấy, việc bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.

Dự thảo được tiếp thu theo hướng quy định rõ chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán; chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (Trưởng Đoàn kiểm toán có thể ủy quyền truy cập bằng văn bản theo quy định của pháp luật). KTNN chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục