Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM

Chi thu nhập tăng thêm ở đơn vị tự chủ tài chính: Nơi có, nơi không

Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính trên địa bàn TPHCM đã chi thu nhập tăng thêm cho người lao động với mức 2 lần tiền lương, hấp dẫn hơn nhiều so với hệ số 0,6 lần tiền lương (năm 2018) nếu chi trả thu nhập tăng thêm theo cơ chế, chính sách đặc thù. Song, cũng có không ít đơn vị tự chủ tài chính lại gặp khó khăn, chưa có tiền chi thu nhập tăng thêm.

Nơi hấp dẫn

Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM (thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) có chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TPHCM quản lý. Theo Nghị quyết 03, năm 2018, người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được hưởng hệ số thu nhập tăng thêm mức tối đa là 0,6 lần tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (hệ số năm 2019 là 1,2 lần; năm 2020 là 1,8 lần); người hoàn thành tốt nhiệm vụ được hưởng mức tối đa là 80% của trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chính sách thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 áp dụng từ quý 2-2018, trả theo quý. Trong khi đó, nhiều đơn vị tự chủ tài chính từ nhiều năm qua, đã tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006 và chi trả thu nhập tăng thêm cho viên chức, người lao động hàng tháng ở mức cao hơn rất nhiều so với thu nhập tăng thêm theo chính sách đặc thù.

Nhờ tự chủ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có mức chi thu nhập tăng thêm lên đến 4 lần lương. Tại Bệnh viện Hùng Vương, đơn vị tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động theo Nghị định 43, hàng tháng, viên chức, người lao động được chi trả thu nhập tăng thêm trong năm 2018 ở mức hơn 2 lần quỹ tiền lương theo cấp bậc, chức vụ.

Tương tự, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cũng chi trả thu nhập tăng thêm hàng tháng cho viên chức, người lao động với mức 2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Mức chi này đang cao hơn nhiều so với mức trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 (0,6 lần lương vào năm 2018). Ngoài khác biệt mấu chốt về hệ số hưởng thu nhập tăng thêm, một sự tiện lợi hơn cho người lao động khi lãnh thu nhập tăng thêm theo Nghị định 43 là được nhận hàng tháng, thay vì hàng quý như Nghị quyết 03. Đây là những điển hình tự chủ tài chính sống tốt, sống khỏe và được các đơn vị tự chủ khác gọi là “đại gia”.

Chi thu nhập tăng thêm ở đơn vị tự chủ tài chính: Nơi có, nơi không ảnh 1 Bệnh viện tự chủ tài chính, thu nhập của y bác sĩ sẽ được tăng thêm. Ảnh: VIỆT DŨNG
TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho hay tiền thu nhập tăng thêm theo cơ chế tự chủ của bệnh viện đã cao hơn rất nhiều so với thu nhập tăng thêm theo chính sách đặc thù. Nếu áp dụng Nghị quyết 03 thì đồng nghĩa tự đẩy thu nhập của người lao động thấp xuống và 3 tháng mới được lãnh một lần.

Bác sĩ Tuyết kiến nghị được tiếp tục chi trả thu nhập tăng thêm theo cơ chế của Nghị định 43, tránh biến động làm thu nhập giảm xuống. Bác sĩ CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, cũng đề nghị vẫn tiếp tục thực hiện chi thu nhập tăng thêm hàng tháng cho công chức và hợp đồng lao động tại bệnh viện theo Nghị định 43/2006.

Nơi khó khăn

Bên cạnh các đơn vị tự chủ đã chi thu nhập tăng thêm ở mức cao, hoặc mức khá cho người lao động, thì nhiều đơn vị tự chủ tài chính (tự chủ hoàn toàn, hoặc tự chủ một phần) đang không có tích lũy để chi thu nhập tăng thêm.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho hay số lượng khán giả đến rạp mua vé rất ít, doanh thu bán vé không đủ chi phí, hầu hết bị lỗ vốn. Còn các suất diễn theo hợp đồng ở tỉnh, thành bạn cũng ngày càng khan hiếm. Cả năm 2018, nhà hát chỉ có 26 suất diễn hợp đồng (3 đoàn), doanh thu không đủ chi phí cho việc đi lại, tổ chức biểu diễn, các đoàn không có tích lũy. Đến nay, nhà hát chưa chi thu nhập tăng thêm cho quý 2 và quý 3-2018. 

Đồng cảnh ngộ, Nhà hát Giao hưởng - nhạc, vũ kịch có 51 công chức, viên chức, ngoài phần kinh phí được cấp, hàng năm, nhà hát phải tự bù đắp gần 1,4 tỷ đồng để chi chênh lệch mức lương cơ sở. Song song đó, phải tự cân đối nguồn kinh phí để trả lương cho số lao động do đơn vị ký hợp đồng và dành toàn bộ nguồn thu để xây dựng chương trình biểu diễn. Với tình hình như trên, ông Trần Vương Thạch (Giám đốc nhà hát) chia sẻ, nhà hát hoàn toàn không có nguồn để chi trả thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức.

Tại Trung tâm Thể dục thể thao Hoa Lư, ông Tăng Bá Lễ, Giám đốc trung tâm, tính toán chi thu nhập tăng thêm trong quý 2 và quý 3-2018 cần tổng cộng gần 270 triệu đồng. Hiện nay trung tâm không còn nguồn kinh phí nên chưa thể thực hiện chi thu nhập tăng thêm hàng quý của năm 2018. Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu “để dành” được 506 triệu đồng trong năm 2018, đủ để chi thu nhập tăng thêm (khoảng 396 triệu đồng), nhưng khó khăn thực sự đến từ năm 2019 khi mức chi thu nhập tăng thêm có hệ số tối đa là 1,2 lần lương (năm 2018 là 0,6), nên đơn vị không đủ để chi trả thu nhập tăng thêm. 

Sở Giao thông Vận tải TPHCM có 13/15 đơn vị sự nghiệp đã tự chủ tài chính. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Võ Khánh Hưng phân tích, đa số đơn vị đều trích lập nguồn cải cách tiền lương theo đúng nhu cầu tăng lương cơ sở theo lộ trình của Chính phủ. Số còn lại sử dụng chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế tự chủ.

Vì vậy, số dư nguồn cải cách tiền lương thực tế hiện nay thấp hơn số Sở Tài chính TPHCM yêu cầu tính toán lại từ năm 2005 đến nay. Điều đó dẫn đến các đơn vị khó có khả năng đảm bảo được nguồn kinh phí để chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 trong suốt lộ trình 5 năm.

Chi thu nhập tăng thêm ở đơn vị tự chủ tài chính: Nơi có, nơi không ảnh 2 Để chi trả thu nhập tăng thêm công bằng, việc đánh giá, phân loại cán bộ phải chặt chẽ hơn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Võ Khánh Hưng đề nghị cấp trên xem xét, xác định nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 là từ nguồn cải cách tiền lương phải trích lập của đơn vị từ năm Nghị quyết 03 có hiệu lực, nghĩa là chỉ tính nguồn cải cách tiền lương phải trích lập từ năm 2018 trở đi, thay vì tính ngược từ năm 2005 đến nay. Trường hợp từ năm 2018 về sau, đơn vị đã trích tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, nhưng vẫn không đủ đảm bảo nhu cầu chi thu nhập tăng thêm thì sẽ được ngân sách TP cấp bổ sung kinh phí để chi.

Đối với đơn vị tự chủ tài chính tại quận 10, ông Trương Hoài Phong, Trưởng phòng Nội vụ, băn khoăn: “Hàng tháng, các đơn vị đều có thu nhập tăng thêm, do đó có thực hiện chi thu nhập tăng thêm hàng quý theo Nghị quyết 03 không? Nếu có, thì nguồn nào để chi và nếu không đủ để chi thì có được đề nghị bổ sung? Bệnh viện quận còn hỏi không tham gia chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 có được không?”.

Bà TRƯƠNG LÊ MỸ NGỌC, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM: Cần rà soát lại nguồn cải cách tiền lương

Trong Nghị quyết 03, Điều 5 đề cập nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm và Điều 6 quy định trích lập nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu để lại hàng năm của các đơn vị. Theo quy định, nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại đơn vị là nguồn cải cách tiền lương theo quy định hiện hành (sau khi đã thực hiện chi trả chính sách tăng lương theo lộ trình của Chính phủ hàng năm). Nhằm tạo nguồn cải cách tiền lương để thực hiện quy định tăng lương tối thiểu theo lộ trình của Chính phủ và thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết 03, các đơn vị thực hiện trích 40% (riêng lĩnh vực y tế là 35%) số thu được để lại hàng năm nhằm tạo nguồn cải cách tiền lương trong giai đoạn 2018-2020.

Thực tế phát sinh vấn đề, năm 2018, các đơn vị đã làm, còn các năm trước đó thì sao, có đủ nguồn để chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 hay không? Các khó khăn ra sao? Không đủ thì kiến nghị gì? Thiết nghĩ Sở Tài chính TPHCM và bộ phận tài chính các đơn vị nên ngồi lại, hướng dẫn kỹ việc thực hiện, rà soát lại nguồn cải cách tiền lương và ghi nhận các đề nghị của cơ sở để tham mưu cho UBND TPHCM có hướng giải quyết.

Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM: Khó khăn thực sự là năm 2019 và 2020

Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại đơn vị là nguồn cải cách tiền lương. Trên thực tế, nhiều đơn vị tự chủ tài chính sau khi trích lập các quỹ thì không còn, hoặc còn rất ít để chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03. Việc tổng kiểm lại số dư nguồn cải cách tiền lương từ năm 2005 đến nay cũng rất khó khăn, vì các đơn vị đã áp dụng theo Nghị định 43/2006 và thường  xài hết rồi.

Năm 2018, theo Nghị quyết 03, với hệ số trả thu nhập tăng thêm tối đa 0,6 lần lương, nhiều đơn vị tự cân đối được. Nhưng năm 2019, 2020 thì thế nào, có “bao” chi trả thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 được không, vì hệ số trả thu nhập tăng thêm tối đa lần lượt là 1,2 lần và 1,8 lần lương chứ không chỉ là 0,6 lần lương như năm 2018 nữa. Chắc chắn sẽ rất khó khăn.

Hiện nay, có khác biệt giữa thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo Nghị định 43/2006 và Nghị quyết 03. Sự khác biệt này dẫn đến nhiều lúng túng trong thực hiện chi thu nhập tăng thêm ở các đơn vị. Nhiều đơn vị băn khoăn đã thực hiện Nghị quyết 43 rồi thì thực hiện Nghị định 03 ra sao, có phải là thực hiện thêm Nghị quyết 03 không? Nhưng nguồn cải cách tiền lương có bao nhiêu đó thôi, miếng bánh có từng đó thôi, nên chia một lần chứ không phải hai. Và quả thật, rất khó cho các đơn vị tự chủ đã chi thu nhập tăng thêm hàng tháng rồi, giờ nếu chuyển sang chi thu nhập tăng thêm theo hàng quý thì người lao động sẽ sống bằng gì?
                                                                            ĐƯỜNG LOAN (ghi)

Tin cùng chuyên mục